Những
chiếc áo
bị ghẻ lạnh
Đó là chuyện của hôm qua, còn hôm nay, cái áo trắng đang rất bẩn, đến nỗi tôi chẳng muốn giặt nó. Tôi đã mua một cái áo mới thay vì ra sức vò xà phòng, như thế thì hại da tay lắm.
Đó là chuyện của mấy tuần trước, còn bây giờ, áo tôi lại rất bẩn, tôi không thích giặt, và sẽ mua thêm một chiếc áo trắng khác, mới và đẹp và thơm mùi vải, như thế thì thật tuyệt.
Đó là chuyện của đầu năm học, còn bây giờ, bạn bè đang thi nhau kí tên, viết tự sự, đại loại thế, mực đen, mực đỏ, mực xanh, viết nhiều nhất là ở vai áo và ngực áo, chao ôi, sao nhiều cái tên và cả nhiều dòng lưu bút thế? Cả những thằng hay bị tôi bắt nạt cũng mon mem tới mà viết tự sự, lời xin lỗi trong khi tôi mới là người mắc lỗi, ờ, có lẽ xin lỗi vì làm tôi bị đuổi học mấy lần… Tôi lết về đến nhà, cố gắng nâng gót chân lên những bậc thang, từ lúc ở cửa, tôi còn đóng thùng bộ đồng phục học sinh, cho đến khi tôi ở trong phòng mình, bật điều hòa, thì lần lượt từng thứ trên người được rải khắp lối đi, cứ như thể mẫu hậu sẽ bước theo và nhặt đồ từ một chàng hoàng tử luộm thuộm vậy. Sau bế giảng, mọi thứ thật nhàn nhã, và xuất hiện một chút cái tính vô ý thức của tôi, mẫu hậu sẽ cho tôi một vài ngày nhởn nhơ bắt bướm, cùng lắm là thế, hoặc đi thả diều giấy trên tầng thượng. Tôi chỉ cần một tờ giấy, gấp vài nếp, sau đó buộc chỉ và thả lên trời khi gió nhè nhẹ.
-Mẹ giặt quần áo nhé!
Mẫu hậu hỏi, thì tất nhiên mẹ cứ giặt rồi.
-Vâng! – Tôi đáp, nhưng tôi quên khuấy đi mất là cái áo cần giữ lại làm kỷ niệm cấp hai của mình.
Vậy là những dòng chia sẻ của bạn bè trên cái áo của tôi tan ra cùng bọt xà phòng, thậm chí tôi còn chưa đọc nó. Ôi, những dòng chữ của đứa bạn cùng bàn, nó đã tỉ mẩn nắn nót từng con chữ, ôi không… phải năn nỉ ỉ ôi mãi tôi mới xin được chữ kí của thằng lớp trưởng, cái thằng mà chưa bao giờ nó coi trọng một thằng đội sổ lớp là tôi, chuyên đánh nhau, chuyên không học bài, mất bao nhiêu là điểm thi đua của lớp… Cái áo đầy chữ lại trắng như mới, còn tôi thì hét lên như một thằng điên. Điên nhất là lúc tôi tự nhốt mình trong phòng… vì giận mẹ.
-Thượng, dậy khóa cửa, mẹ đi nhà bác Lan mấy hôm.
Nhà bác Lan ư? Tôi vục dậy sau những ngày giận dỗi. Đi nhà bác Lan thì thật tuyệt, mẫu hậu vẫn hay kể đến nơi ấy, nơi có một túp lều tranh hai trái tim vàng. Tôi luôn phải hình dung xem họ sống hạnh phúc với nhau như thế nào với túp lều tranh ấy… Đi những mấy hôm thì tuyệt thật. Và thế là tôi ngồi lên xe, đòi đi bằng được.
Cảm giác đầu tiên là say xe, sau gần ba tiếng ngồi ngửi cái mùi nước hoa sực nức của mẫu hậu. Cảm giác tiếp đó là cát bụi bẫu đầy vào cổ như muỗi bẫu vào chân trâu khi tôi cố thuyết phục và thuyết phục được mẹ mở cửa xe ô tô… Chẳng mấy háo hức và vui vẻ như lúc đầu.
Con đường làng mới đẹp làm sao, người ở quê cũng trồng cỏ vào giữa con đường đất. Người ở quê cũng tỉa cây cảnh ở ven đường, mẹ tôi bảo đó là cây duối, trâu gặm nhiều nên nó trụi thành tán như bon sai, và mẹ nhất định rằng bọn trẻ con hay trèo lên đó chơi y như công viên. Còn tôi thì quả quyết rằng thợ làm vườn, những người mặc áo công nhân hay nhổ cỏ, tưới nước cho những khoảng cây trồng trong thành phố ấy, họ đã tới và cắt tỉa cho những cây duối, và hàng cỏ ngăn cách hai làn đường làng nhỏ xíu và uốn lượn đầy chất thơ.
Và cuối con đường là một cây rơm to, đến nỗi nó sẽ cháy đùng đùng cả tháng nếu tôi cố tình đốt nó. Dừng xe cạnh cây rơm vàng, tôi và mẫu hậu đều choáng ngợp vì khung cảnh trước mắt, thực ra thì chỉ tôi choáng ngợp, còn cảm giác đó, chắc là lúc mẫu hậu của tôi từng có khi đến đây làn đầu tiên. Đó là một mái nhà tranh đúng nghĩa với những nan tre buộc lạt được trát vách bằng bùn và vôi và rơm dạ. Mái cọ lợp đã sắp mục nát.
Thứ không khí đồng quê là mùi của ti tỉ thứ hỗn mang, y như những gì tôi thấy ở thế giới số, trong những trò chơi trên mạng ấy, cặn bã và nghi ngút mùi… Thật là lạ và đáng để tôi muốn đi tới đấy bằng được. Bịt mũi, nhưng cũng phải cố để nhận ra cái thứ tỉ tỉ hỗn mang đó đang bốc ra từ đâu, rất khác mùi rác ở thành phố… Có tiếng lục khục của những tấm ván, sau đó thì bầu không khí dịu lại và trong lành hẳn. Ra tiếp khách là một thằng nhóc chạc tuổi tôi, lễ phép chào mẹ tôi và cũng lễ phép gọi tôi là anh. Chẳng phái đó là thằng nhóc mà tôi đã gặp ở bệnh viện vào một năm trước, lúc tôi đi khám bệnh vì mới học lớp tám mà tôi đã cao một mét sáu. Còn cậu ta thì lầm lì, lúc nào cũng thế. Vậy ra đây là túp lều tranh của hai mẹ con có hai trái tim vàng?
Bác Lan đã nằm liệt giường vì căn bệnh còn con bác ấy thì quanh năm đầu tắt mặt tối. Chỉ chào hỏi bác Lan vài phút, tôi ra ngoài nhìn xem cậu nhóc ấy đi đâu và làm gì, chẳng thấy người đâu, tôi chỉ thấy ruộng rau xanh rờn và vườn cây sai chĩu quả.
Pẹp!
Đôi giày của tôi ngập trong bùn.
-Không đời nào!
Tôi hét lên. Và thế là cậu nhóc từ đâu đó chạy tới, hớt hải y như tôi đã gặp một chuyện cực kỳ nghiêm trọng vậy.
-Anh Thượng bị sao thế ạ?
-Mình nhẵm phải bùn thôi, không có gì. – Tôi cứ lịch thiệp thế thôi, chứ trong lòng đang muốn về thành phố, nơi không có bùn.
-Để em về lấy dép cho anh.
Rồi tôi đi ra ruộng cùng cậu ta với đôi dép tổ ong rách. Nghèo gì mà không còn lối bước tới phía tiền như thế? Tôi tự giận lòng mình.
Thật ngại vì tôi không nhớ tên cậu ta, nên tôi rất ít nói chuyện, cho đến khi mọi người, tức là mẹ tôi và bác Lan gọi cậu ta là Hải, nên tôi mới tự tin rằng mình biết tên cậu nhóc ngoan ngoãn ấy. Hải đi thịt gà, tôi lon ton chạy theo chân Hải như thằng em đầy sự tò mò, và sạch sẽ như một hoàng tử, ngại đụng vào bất kể thứ gì… cho đến khi ngồi ăn cơm. Tôi tự trách mình, sao mà sợ bẩn đến thế.
-Hải ơi. – Mẹ tôi vào bếp gọi, trong khi tôi và cậu ấy đang rửa bát. – Cô đem cho cháu ít quần áo này.
Trước mắt tôi là mấy bộ quần áo mới và một lô một lốc quần áo cũ của tôi. Có những cái mà tôi ghẻ lạnh đến nỗi chẳng nhớ là mình đã mua nó… Thật là ngại.
-Còn đây là ít quần áo cũ, mặc đi làm.
Mẹ tôi giải thích, vì lỡ mà thằng nhóc ấy không chịu nhận thì đúng là quê một cục. những cái áo sơ mi cũ của tôi vẫn còn trắng lắm, và hình như mẹ tôi có là ủi rất kĩ và gấp vuông vắn cẩn thận lắm, những cái quần cũ cũng còn khá mới, nhưng đều thủng túi cả… Ôi… sao mà tự nhiên tôi thấy xấu hổ quá. Người ta thì dép lành còn không có mà đi, mình thì phí phạm đủ thứ đồ đạc, vật dụng… Đôi giày dính bùn lúc nãy, tôi còn tính vứt luôn rồi ấy…
Từng lời nói của thằng nhóc kìa, không thể nào chê được, lễ phép quá. Còn tôi thì hoàn toàn ngược lại, cục cằn, bẩn tính và bao nhiêu thói hư tật xấu mà tôi hơi sởn gai ốc khi nghĩ tới. Hít thở sâu, tôi cố gắng rửa hết mấy cái bát trong chậu, càng nghĩ, càng so sánh, tôi lại thấy mình không bằng Hải một điểm nào.
Trưa nào chẳng nắng chang chang, Hải bảo thế, ngoài những lúc mưa rào… Nhưng tôi vẫn thích được đi đâu đó trong mấy ngày chơi ở vùng quê non nước ôm trọn mình vào lòng như thế này.
-Đi bơi ha, anh Thượng. Lên thượng nguồn bơi, hơi xa nhưng cũng mát mẻ.
Tôi gật đầu ngay. Ai mà chẳng thích đi bơi, nhất là khi được ngâm mình dưới dòng nước suối mát lạnh, được ngắm nhìn những vân sáng của mặt nước hắt lên đá tảng, được ăn roi nước mọc ở ven suối. Quần ướt, áo ướt, mọi thứ đều ướt, tôi thay chiếc áo sơ mi trắng mà Hải đưa cho mình.
“Hẹn nhau ở cấp ba nha” kí tên “LT9A4” Đó là dòng chữ mờ mờ mà tôi đọc được trên chiếc áo.
-Anh Thượng…
Hải ngập ngừng, nhưng rõ ràng là cậu ấy đang muốn nói điều gì đó khó nói, có thể cậu ấy đã nhận ra tôi tiếc cái áo kỉ niệm cấp hai của mình. Thật tuyệt là tôi đã đọc được lời nhắn của thằng bạn thân, nhưng chắc chỉ sau vài lần giặt nữa, cái áo sẽ trắng sạch y như người ta quảng cáo bột giặt vậy.
-Sao cơ bạn?
-Em mang một cái áo đi cho một người bạn nhé!
Thì ra là chuyện lá rách đùm lá rách hơn. Tôi gật đầu liền, mà trong lòng cứ lâng lâng trên mây. Hải mà làm em trai tôi thì tốt biết mấy nhỉ, mặc dù tôi nhớ không nhầm là hai thằng bằng tuổi nhau, chỉ có điều tôi to con và nhìn khá trưởng thành còn cậu ấy thì thấp hơn tôi nhiều, và hiền hơn tôi nhiều.
Tò mò về người bạn “rách nát” kia, và tự nhiên tôi háo hức muốn đi học cấp ba kinh khủng, thế nên tôi cố tình hỏi, khi trên đường hai thằng đi tặng áo.
-Bạn và bạn ấy học chung lớp à.
-Không, đó là bạn khác lớp. Nhưng chúng em chơi với nhau.
Đó là một bạn tật nguyền, gia cảnh cũng nghèo xác sơ, đến nỗi mà trong lòng tôi muốn trào ra những dòng nước mắt. Đó là chiếc áo mới, cho một người khuyết tật nghèo với đầy những bằng khen treo trên bức tường trát vách.
Vậy những cái áo sơ mi cũ? Nó đều rộng lắm, nếu như tôi nhỏ nhắn một chút thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn, không lẽ Hải phải mặc những cái áo của tôi từ mấy năm về trước sao? Như thế thì thật là thiệt thòi. Những bộ quần áo bị tôi ghẻ lạnh vì đủ thứ lí do, nào là mặc không đẹp, mặc không thời thượng, bị bạn bè chê là hàng nhái, hay bị dính máu do tôi đánh nhau,… Tôi lại hít thở sâu thay vì thở dài, nhìn lại bản thân thấy mình chẳng tốt đẹp gì.