Bắt đầu tăng viện phí từ ngày 1/6
Thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6
Tuy nhiên, không phải là từ thời điểm này tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức viện phí tối đa này.
Bộ Y tế cho biết Thông tư số 02/2017/TT-BYT là quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, theo lộ trình tính giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, áp dụng đối với người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế; dịch vụ ngoài phạm vi thanh toán của BHYT.
Mức giá của các dịch vụ tại Thông tư số 02 là mức giá tối đa; Thông tư 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2017 nhưng không phải là đến ngày 1/6/2017 tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này mà Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các Bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các Bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống.
Người dân nên nhanh chóng tham gia BHYT để tránh tác động từ viện phí tăng
Cũng theo Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phải bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương dự kiến mức giá và thời điểm thực hiện (vào một trong các tháng 7,8,10,12 năm 2017) gửi về Bộ Y tế để phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tính toán mức tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh thời điểm thực hiện cho phù hợp với mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng của Chính phủ.
Theo Bộ Y tế, việc ban hành Thông tư 02 là để bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh vì nguyên tắc 2 đối tượng này phải chi trả cho bệnh viện như nhau, chỉ khác nguồn trả là người có thẻ BHYT do BHYT chi trả, người không có thẻ BHYT phải tự chi trả.
Theo Bộ Y tế, Luật BHYT quy định BHYT là bắt buộc, tuy nhiên hiện nay vẫn còn gần 20% dân số chưa tham gia BHYT, trong số này có rất nhiều người cận nghèo, người có thu nhập trung bình nhà nước đã có chính sách hỗ trợ từ 30-70% mức đóng nhưng vẫn chưa tham gia BHYT. Vì vậy, việc thực hiện Thông tư 02 sẽ khuyến khích người chưa có thẻ BHYT tham gia BHYT, thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc thu và quản lý nguồn thu, các bệnh viện có kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vì: Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo, các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và được bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật
Bộ Y tế cho biết hiện Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách cấp tiền lương cho các bệnh viện hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Hiện đối tượng người cận nghèo đang được hỗ trợ từ 70-100% chi phí mua thẻ BHYT. Các địa phương cũng nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để tham gia BHYT (hiện đang hỗ trợ tối thiểu 30%).
T.Linh / Lao Động