Quán karaoke lo đóng cửa nếu phải gánh phí 2.000 đồng một bài
Chủ các cơ sở kinh doanh karaoke cho rằng việc phải đóng thêm phí thường niên cho bài hát trong đầu thu không những đặt thêm gánh nặng cho họ mà còn thiếu cơ sở.
Sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại một nhà hàng karaoke ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cuối năm ngoái, các cơ sở kinh doanh dịch vụ này muốn hoạt động phải tuân thủ theo các quy định mới về phòng cháy chữa cháy.
Vừa chi 300 triệu đồng đầu tư thêm thiết bị phòng cháy cho 10 phòng hát, ông Phạm Văn Quyền - Quản lý cửa hàng karaoke Tom (phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội) không mấy vui khi trước thông tin cơ sở của ông tới đây phải nộp thêm khoản phí tác quyền bản ghi hình sản phẩm âm nhạc.
“Chúng tôi không thể chấp nhận mức thu này. 2.000 đồng một bài cộng với tiền bản quyền tác giả phải nộp “cứng” hằng năm - khoảng 16 triệu - là gánh nặng quá lớn trong khi kinh doanh không mấy sáng sủa", ông Quyền bày tỏ.
Dù có doanh thu trung bình ngày khoảng 4 triệu đồng, song theo vị quản lý này, riêng tiền thuê nhà cũng đã chiếm phần lớn, chưa kể chi phí lương nhân viên, điện, nước… "Với một doanh nghiệp lớn thì vài chục triệu một năm chẳng thấm gì, nhưng với một cửa hàng lại là cả vấn đề", ông lo lắng.
Chung mối lo này, chủ cửa hàng karaoke Embassy (Hàn Thuyên, Hà Nội) cho rằng việc đóng phí lẽ ra phải thuộc về các doanh nghiệp sản xuất đầu máy karaoke, thay vì người mua và sử dụng. “Nếu nói rằng các cơ sở kinh doanh karaoke thu được lợi nhuận từ việc sử dụng các bài hát đó thì các nhà sản xuất đầu máy cũng thu lãi “khủng” từ bán sản phẩm của mình", ông nhìn nhận.
Ngoài phản ứng về việc phải nộp phí, chủ các cơ sở kinh doanh karaoke còn cho rằng căn cứ để đưa ra mức phí là “thiếu thực tế, không minh bạch”.
"Tôi không rõ căn cứ nào họ đưa ra mức thu 2.000 đồng mỗi bài hát? Trong mỗi đầu thu không phải có 2.000 hay 3.000 bài, mà có tới 5.000 - 7.000. Nếu nhân lên số phải trả hằng năm không nhỏ", ông Quyền bức xúc. Ông tính toán, với 3 đầu máy karaoke chứa khoảng hơn 20.000 bài, số tiền cửa hàng phải chi trả hằng năm cho tác quyền ghi hình có thể lên tới 40 triệu đồng. Trong khi đó, chủ cơ sở Embassy thì lại lo chuyện phí chồng phí khi cả doanh nghiệp sản xuất đầu máy và cơ sở kinh doanh đều phải nộp.
|
Việc thu phí tác quyền ghi hình sản phẩm âm nhạc với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke sẽ được tiến hành từ quý III tới.
|
Là đơn vị đưa ra quyết định thu phí tác quyền ghi hình sản phẩm âm nhạc với các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, bà Trương Thị Thùy Dung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) khẳng định việc sử dụng các bản ghi hình karaoke không được phép của chủ sở hữu đã xâm phạm, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của Hiệp hội và hội viên (theo Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ...)
Đại diện Hiệp hội cũng khẳng định mức phí thu 2.000 đồng một bài hát đã được tính toán kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở kết quả cuộc khảo sát được tiến hành trong gần một năm qua và trên khung quy định của pháp luật. Kết quả khảo sát cho thấy bình quân mỗi đầu máy sử dụng 10.000 – 20.000 bản ghi, trong đó chỉ 3.000 – 5.000 bản là thuộc sở hữu của các hội viên và quản lý của RIAV.
“Chúng tôi sẽ không thu phí đồng loạt theo số lượng bài hát có trong đầu thu, mà sẽ kiểm tra xem đầu thu đó có bao nhiêu bài hát của các thành viên Hiệp hội và chỉ thu trên số đầu bài hát này”, bà Dung giải thích.
Số tiền thu về từ hoạt động này sẽ được chi 10% cho các chi phí hoạt động của văn phòng Hiệp hội; 5-10% chi cho các Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch các tỉnh, thành phố. Và 80% còn lại được trả trực tiếp cho các chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình.
Phó chủ tịch RIAV cũng phủ nhận chuyện thu “phí chồng phí”. Bà cho biết ngoài các doanh nghiệp sản xuất đầu máy, các cơ sở kinh doanh cũng thu được lợi nhuận từ việc sử dụng sản phẩm. “Khi họ thu được lợi nhuận từ sản phẩm trí tuệ của các tác giả thì phải trả tiền bản quyền", bà Dung lý giải.
Để hoạt động này được hiệu quả, RIAV khẳng định đang thực hiện một lộ trình cụ thể để các chủ cơ sở kinh doanh karaoke hiểu và thực hiện, như gửi công văn thông báo kèm bảng giá thu phí; trực tiếp xuống cơ sở giải thích, tư vấn; ký hợp đồng. “Chúng tôi vẫn đang trong quá trình vận động, giải thích cho các chủ cơ sở kinh doanh hiểu quyền và nghĩa vụ của mình. Sau đó hiệp hội mới thu phí và có giải pháp với cơ sở không đóng”, bà Dung nói.
Mô hình kinh doanh karaoke hiện nay rất đa dạng, số lượng các ca khúc được sử dụng tại các địa điểm này cũng khó kiểm soát, nên chuyện thu phí bản quyền gặp nhiều khó khăn. Trước quyết định của RIAV, hiện đã có khoảng 10 tỉnh, thành phố đồng thuận cùng Hiệp hội thực hiện việc thu phí này.
Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) được thành lập năm 2003, là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, phi Chính phủ, phi lợi nhuận của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất băng đĩa ghi âm (bao gồm các sản phẩm ghi âm, ghi hình) ở Việt Nam. Hiệp hội chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.
|
Anh Minh - Anh Tú - VnExpress