Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

GS Phan Huy Lê chỉ ra những thiếu sót của sách sử Việt Nam

Sách sử chỉ nhắc đến các vương triều, nhân dân rất mờ nhạt. Lịch sử về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ chủ yếu nhắc về vùng giải phóng mà bỏ qua vùng bị tạm chiếm...

Sáng 22/2, tại cuộc họp với chủ đề 'Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam', giáo sư sử học Phan Huy Lê đã thông tin về đề án biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam do ông là chủ nhiệm, kiêm tổng chủ biên. Bộ "quốc sử" gồm 30 tập (25 tập chính và 5 tập biên niên), ghi lại toàn bộ diễn trình lịch sử đất nước Việt Nam, từ khi con người xuất hiện đến hiện nay.

 

gs-phan-huy-le-chi-ra-nhung-thieu-sot-cua-sach-su-viet-nam

GS Phan Huy Lê, chủ nhiệm đề án Nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.

 Theo GS Phan Huy Lê, cách nhìn nhận lịch sử trong các bộ sử về Việt Nam trước nay đều có thiếu sót. Sử chỉ nhắc đến các vương triều, là lịch sử của nhà vua, lịch sử của nhân dân rất mờ nhạt. Trong khi đất nước Việt Nam có 54 dân tộc thì sử chỉ nhắc về dân tộc chiếm đa số. Sử sách hiện ghi tương đối đầy đủ tiến trình lịch sử của miền Bắc, còn miền Nam Trung Bộ chỉ được nhắc từ thế kỷ 16. Lịch sử về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ chủ yếu nhắc về vùng giải phóng mà bỏ qua vùng bị tạm chiếm, trong khi ở đó có các cuộc đấu tranh của nhân dân... "Đó là thiếu sót lớn, tạo ra một khoảng trống lịch sử rất nguy hiểm", GS Phan Huy Lê nói.

 

Nhà sử học đặc biệt nhấn mạnh "căn bệnh" đang có chiều hướng phát triển trong các bộ sách sử hiện nay là đưa huyền thoại vào lịch sử và "hỗn loạn" sách sử của nhiều tác giả, nhiều dòng họ, địa phương... Lịch sử xây dựng đất nước còn nặng về chính trị, ngoại giao. Những mặt yếu, nhất là về văn hoá thì không nhắc đến…

 

GS Phan Huy Lê cho rằng, lịch sử của một đất nước khi xây dựng phải lấy mốc là quốc gia, lãnh thổ, lãnh hải, cư dân đang sinh sống, từ đó làm rõ tiến trình hình thành, phát triển của các vùng miền, tộc người. Điều này sẽ tạo ra tính pháp lý vững chắc để khẳng định tính toàn vẹn, chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. GS Lê và các ủy viên của ban đề án Nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam khẳng định, bộ "quốc sử" sắp tới sẽ khắc phục những thiếu sót.

 

Đánh giá tầm quan trọng của những bài học mà lịch sử mang lại trong việc điều hành đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, ngoại giao…, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng mong muốn, bộ "quốc sử" sẽ sớm được hoàn thành. 

 

"Đây sẽ là bộ sử đồ sộ, chính thống nhất, nhìn nhận toàn diện, khách quan, công tâm, trung thực đối với sự kiện, nhân vật, diễn tiến của quá trình lịch sử của dân tộc từ trước đến nay. Nó không chỉ thể hiện quan điểm của các nhà lịch sử mà còn thể hiện quan điểm của Đảng, nhà nước", ông Thưởng nhấn mạnh.

 

Quỳnh Trang - VnExpress

Bình luận