Cũi, xích và thảm án
Gần 20 năm trước tôi về Vị Thanh, Hậu Giang, ghé nhà anh Bảy, nhân vật trong một bài viết của tôi.
Buổi chiều mưa tầm tã, anh chị đi làm mướn vắng nhà, chỉ có bốn đứa con chơi với nhau. Thằng út bốn tuổi bị cột chân vào một đoạn dây nối với cây cột ngoài mái hiên, nó bò quanh cái vòng tròn bán kính bốn mét, miệng u ơ vô nghĩa. Chân nó chỗ bị xích đã lở loét do dây nghiến vào. Anh chị Bảy nói biết sao được, nó bị loạn thần, anh chị đi làm tối ngày, không cột tay chân nó lại, nó bò ra bờ kênh lỡ có bề gì làm sao cứu.
Một lần khác tôi về tỉnh nọ sau khi có thông tin về người cha hành hạ đứa con tâm thần bằng cách nhốt vào cũi sắt, đưa cơm nước qua các chấn song. Trong đó đứa con ông trần truồng và bẩn thỉu. Tôi đến mang sẵn trong lòng sự phẫn nộ, nhưng rồi trở về với sự cám cảnh trước nỗi bất hạnh đến tột cùng của ông: vợ mất, con trai tâm thần suốt ngày cầm dao dọa giết người. Ông thì nghèo rớt, không còn cách nào nên phải chăm sóc con như vậy.
Cũng như người cha vừa kể, hơn 10 năm nay có một người mẹ ở Bắc Giang vừa mỏi mòn chăm cháu ngoại, vừa chăm đứa con gái tâm thần trong cũi gỗ. Chị bị tâm thần rồi bị kẻ nào đó hiếp dâm, sinh một đứa con trai. Khi lên cơn chị đạp phá đồ đạc, đánh đập mẹ già, và chiếc cũi gỗ là lựa chọn cuối cùng của người mẹ.
Những chiếc cũi nói lên nhiều điều. Chúng ta không thể đau lòng hơn thân nhân những bệnh nhân tâm thần ấy. Họ vừa phải phục vụ suốt đời người con bị bệnh, vừa đau đớn khi nhốt con mình. Nhưng họ sẽ đau hơn nếu không ngăn chặn được hiểm họa nếu con mình nổi cơn và gây án mà nạn nhân có thể là hàng xóm, người thân hoặc chính họ.
Vụ thảm án khiến ba người chết do người tâm thần gây ra ở Hà Giang vừa qua không phải là vụ đầu tiên. Năm nào cũng có những vụ giết người như thế. Kẻ gây án ở Hà Giang trước đó từng giết người, bị khởi tố rồi được đình chỉ sau khi áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Còn năm ngoái ở Đăk Lăk, một bệnh nhân tâm thần đã trốn viện về sau khi bị cưỡng bức chữa bệnh vì quậy phá. Một tháng sau anh ta nổi cơn và chém chết cha mình.
Không ai biết trước bao giờ thì những bệnh nhân tâm thần nổi cơn và gây án, cũng không ai muốn nhốt con mình như con thú trong cũi. Nhưng cũng không ai có thể yên tâm sống chung với người tâm thần trong một cộng đồng.
Khi người dân phải sống trong bất an vì những nguy cơ có thể thấy trước mà tự họ không đủ khả năng ngăn chặn hoặc bị vướng víu bởi tình cảm thì pháp luật cần phải có biện pháp can thiệp để đảm bảo hậu quả không xảy ra. Thế nhưng hiện nay biện pháp bắt buộc chữa bệnh không được áp dụng trong trường hợp họ chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội, cũng không có quy định về việc cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý những bệnh nhân tâm thần hung hãn này. Đây là một lỗ hổng lớn tồn tại dai dẳng.
Vì vậy, những chiếc cũi, chiếc xích nhốt người thân phải tồn tại như một đòi hỏi tất yếu của cuộc sống, bất luận điều đó sai pháp luật vì những người bị nhốt chưa hề được giám định tâm thần và không hề có quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.
Ở phía ngược lại, có những kẻ gây án một cách tỉnh táo, có dự mưu nhưng sau đó lại thoát tội nhờ giấy chứng nhận tâm thần phân liệt, không đủ năng lực hành vi để chịu trách nhiệm hình sự. Những kẻ này sau khi thoát án, chẳng phải ngồi tù và cũng không phải ngồi trong cũi.
Nếu bệnh nhân tâm thần không được chủ động giám định và quản lý tốt, nếu những tờ giấy chứng nhận tâm thần phân liệt chỉ được sử dụng như một bằng chứng thoát tội thì ngay cả khi có cũi và có xích, thảm án vẫn tiếp tục xảy ra.
Đức Hiển - VnExpress