"Ôsin" hóa... cướp
Bộ phim "Ôsin" của Nhật Bản chiếu trên truyền hình Việt Nam năm 1994 đã bổ sung vào đời sống ngôn ngữ Việt một "danh xưng" mới cho nghề giúp việc tại các gia đình. Nhu cầu thuê "Ôsin" để giúp việc nhà đang tăng cao trong cuộc sống hiện đại, nhất là tại các đô thị. Bên cạnh những ích lợi do nguồn lao động phổ thông này mang lại thì cũng có "n" thứ chuyện "chẳng lành" đã phát sinh. Trong đó, đáng sợ nhất phải kể đến những vụ cướp trong đêm mà thủ phạm lại chính là những "Ôsin" được ăn ở, sinh hoạt cùng gia chủ.
"Ôsin" Trần Thị Vui, thủ phạm vụ "giết người - cướp tài sản" xảy ra ngày 2.7.2009 tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
"Nuôi ong tay áo"
Với nhiều người dân Hà Nội, vụ án Lê Ngọc Chung (thợ rửa xe) giết chủ tại số nhà 888 phố Minh Khai, đã gieo rắc nỗi sợ hãi về sự "phản trắc" bất ngờ của "Ôsin" trong những gia đình thuê người giúp việc.
Được ông H nhận về làm thợ rửa xe máy và cho ngủ lại tại cửa hàng đặt dưới tầng 1 ngôi nhà này, vì những xích mích trong công việc, Chung rắp tâm trả thù. Đêm 2.5.2007, y đã dùng kiếm chém chết mẹ, con và bản thân ông chủ, làm trọng thương 2 người khác.
Vài tháng sau tiếp tục xảy ra vụ sát hại ông bà chủ Nhà nghỉ Phú Mỹ 1 (ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội), mà hung thủ là Trần Văn Luân và Đào Văn Nam - những kẻ mới được nạn nhân thuê về làm lễ tân và dọn dẹp buồng phòng.
Thấy chủ nhà có nhiều tài sản, chúng đã lập mưu giết hại họ lúc rạng sáng, bằng cách tạo cớ điều họ ra khỏi phòng ngủ và đi lên tầng thượng, rồi bất ngờ ra tay hạ sát từng người.
Trong vụ cướp tài sản xảy ra rạng ngày 13.3.2015, tên Hoàng Văn Thành là người làm thuê cho gia đình chị Tịnh Thị T (tại phố Hà Huy Tập, Gia Lâm, Hà Nội) đã lợi dụng lúc chồng chị vắng nhà, giả vờ đau bụng để gọi bà chủ dậy xin thuốc uống.
Chị T tưởng thật cầm thuốc ra cho Thành liền bị y dùng dao khống chế, bắt mở két cướp đi số tiền 100 triệu đồng rồi ép chị đi tiếp xuống tầng hầm.
Nhận thấy dã tâm giết hại mình của tên cướp, chị T đã chống trả quyết liệt, hô hoán và bỏ chạy được. Tên Thành đã bị bắt giữ ngay sau đó. Điều đáng nói là tên Thành cũng được gia chủ cho ăn ở, sinh hoạt ngay tại ngôi nhà của mình.
Danh sách những vụ án mà "Ôsin" là "tác giả" vẫn đang tiếp tục được nối dài, ở khắp các địa phương. Trong đó, nổi lên những chiêu "khua khoắng" tài sản của gia chủ rồi dựng hiện trường giả, để "đổ thừa" trách nhiệm cho... "trộm".
Chưa hết, đã xảy ra những vụ "Ôsin" trong gia đình khá giả còn cài bẫy "tình" ông chủ để tống tiền một cách trắng trợn, hoặc đang tâm bắt cóc con cái của họ để tống tiền…
Nhận diện nguy cơ
Nhu cầu thuê người làm công, người giúp việc trở nên thiết yếu đối với nhiều gia đình ở các đô thị. Những nguy cơ đe dọa sự an toàn của mỗi gia đình cũng bắt đầu từ đấy.
Các tên Trần Văn Luân và Đào Văn Nam, nhân viên dọn phòng sát hại vợ chồng chủ nhà nghỉ Phú Mỹ 1 (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội).
Ông Nguyễn Trung Thành (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: "Hiện nay cũng không dễ để "kiếm" được một người giúp việc gia đình ưng ý. Đa phần phải thông qua các công ty giới thiệu việc làm, hoặc các trang rao vặt, mạng xã hội…
Điều này cũng có nghĩa giữa chủ sử dụng lao động và người làm thuê không có quan hệ với nhau từ trước, không có những ràng buộc bởi quan hệ tình cảm, họ hàng thân thuộc. Người chủ không biết được các đặc điểm về nhân thân lý lịch, hoạt động hiện hành, tâm tính… của người làm công, nhất là về quá khứ phạm tội của họ.
Để tiện cho công việc, nhiều gia đình cho phép người giúp việc cùng ăn ở tại nhà mình. Việc làm này đã đặt sự an toàn của gia chủ trước những thách thức nghiêm trọng. Hầu hết các vụ án mạng thảm thương hay các vụ trộm cắp tài sản… đều xuất phát từ lý do này.
Vì thế, mỗi gia đình nên trang bị cho mình những kỹ năng nhất định để chủ động phòng ngừa từ trước những chuyện phức tạp có thể phát sinh, gắn với sự xuất hiện của người làm công trong ngôi nhà của mình".
Diễn biến tâm lý hung thủ
Phân tích về đặc điểm tâm lý và thủ đoạn phổ biến của thủ phạm trong các vụ án có yếu tố "Ôsin", Thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên điều tra viên cao cấp, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hà Nội) nói: "Nỗi sợ bị phát hiện, bị bắt giữ và trừng phạt bởi pháp luật luôn thường trực trong tâm lý người phạm tội. Bản năng tự vệ dẫn dắt chúng làm mọi cách để nguy cơ ấy không xảy ra.
Do đó, khi một người giúp việc, người làm công trong các gia đình đi đến quyết định gây án với người chủ của mình, bên cạnh sự thúc đẩy của lòng tham, mong muốn chiếm đoạt bằng được tài sản, thì chúng cũng đã dự liệu sẵn tình huống bị gia chủ phát hiện và nhận diện.
Và trong tình huống đó, chúng thường không do dự khi xuống tay sát hại chủ nhà, bởi chúng biết nếu để chủ nhà còn sống, hành vi phạm tội sẽ bị tố giác. Đây là đặc điểm tâm lý phổ biến của đối tượng cướp quen.
Có những dấu hiệu bất thường của một "Ôsin" mà các gia đình nên để ý. Đó là biểu hiện thường "tăm tia, nhòm ngó" tài sản của gia đình chủ hoặc hay quan sát, dò xét, để ý về quy luật sinh hoạt của những người trong nhà.
Các vụ án trộm, cướp do "Ôsin" thực hiện thường xảy ra vào ban đêm, khi cả nhà chủ đã đi ngủ, hoặc vào các thời điểm trong nhà chỉ có phụ nữ, trẻ em, người già... không có khả năng tự vệ.
Hành vi phạm tội có thể là lục lọi, phá tủ mở két trộm cắp tài sản, dắt trộm xe máy… hoặc bạo liệt hơn là giết chủ nhà để cướp tài sản".
Phòng và chống
Vẫn theo Thượng tá Trịnh Kim Vân, để phòng ngừa sớm những vụ án do “Ôsin” gây ra, các gia đình khi thuê người, cần tìm hiểu thật kỹ về nhân thân của họ, như giấy tờ tùy thân, hồ sơ xin việc làm có xác nhận của địa phương. Trong đó, chú ý xem xét lý lịch, hoàn cảnh gia đình, hoạt động quá khứ và hiện hành của họ.
Lê Ngọc Chung - tên làm thuê giết chủ cửa hàng rửa xe ôtô tại số nhà 888 Minh Khai.
Cách kiểm tra có thể tiến hành qua việc xem xét giấy tờ, gọi điện về Công an xã nơi người đó cư trú (tra cứu số máy trên mạng) để hỏi về gia cảnh, công việc, hoạt động của “Ôsin”, nhằm chắc chắn rằng không có quá khứ “đen”, như đã từng có tiền án, tiền sự hoặc tiền sử nghiện ma túy…
Không nên tuyển người giúp việc theo cảm tính, hoặc khi họ không xuất trình được giấy tờ tùy thân như CMND hay hồ sơ xin việc. Cần cảnh giác với người giúp việc được giới thiệu bởi một người thứ ba, mà mình chưa có thời gian tìm hiểu kỹ về thân nhân của họ.
Nếu cho người giúp việc lưu lại nhà mình, nhất thiết phải khai báo tạm trú với cơ quan chức năng, đồng thời nên giữ giấy tờ tùy thân của họ trong suốt thời gian làm việc (như một vật bảo đảm). Khi đã tuyển được “Ôsin”, cần ghi nhớ rằng không nên cho họ ở cùng nhà với mình, khi chưa có đủ thời gian để kiểm chứng về tư cách đạo đức.
Trường hợp không thể bố trí nơi ở khác cho người giúp việc, thì cần thiết phải cách ly không gian giữa chỗ ngủ của người trong gia đình với người làm thuê. Buổi tối trước khi đi ngủ, cẩn thận khóa cửa các phòng ngủ một cách chắc chắn.
Tuyệt đối không để trẻ em, người già, phụ nữ ở cùng người giúp việc mà không có phương án đảm bảo an ninh. Không để người làm công, giúp việc là nam giới, mới đến nhận việc, được ngủ lại trong nhà.
Trong sinh hoạt hằng ngày, không nên để người giúp việc tiếp cận những thông tin về tiền bạc, hay biết nơi cất giấu tài sản có giá trị lớn như vàng bạc, tiền mặt. Cũng không nên để nhiều tài sản có giá trị trong nhà, nếu có thì nên để phân tán…
Trong đêm, khi người giúp việc báo tin có chuyện bất thường hay đưa ra các tình huống nhạy cảm về sức khỏe, như bị cảm, đau bụng cần thuốc men, cần hết sức cảnh giác.
Bởi rất có thể đó là những lý do được tạo dựng lên để các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội… Gặp những trường hợp như thế, cần bình tĩnh quan sát, phân tích tình huống và khéo léo xử lý để tránh mắc bẫy của kẻ gian…
Trong tình huống người giúp việc đã “lộ nguyên hình” là cướp, gia chủ cần xác định ưu tiên số 1 là phải bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe chứ không phải là tài sản.
“Khi phát hiện đối tượng đang lục lọi tài sản, nhưng chưa động đến chủ nhà, cần khẩn trương đưa người thân vào phòng có cửa an toàn, bật điện, gọi điện báo công an.
Tuyệt đối không nên la hét, lao vào ôm bắt, hô hoán vì sẽ kích hoạt bản năng tự vệ của đối tượng. Nếu “Ôsin” đã lộ rõ ý định cướp tài sản, cần cân nhắc về khả năng giết người của chúng. Nếu cường độ uy hiếp cao, hãy tỏ ra ngoan ngoãn chấp hành mọi yêu cầu của chúng, xin đối tượng đừng làm hại.
Trong lúc đó rất cần cảnh giác cao độ, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng tấn công lại bằng mọi vật dụng có được. Khi có cơ hội, cần đánh bất ngờ, dứt khoát vào những vùng nguy hiểm trên cơ thể tên cướp.
Nếu đối tượng choáng, hãy chạy thoát thân sang phòng có cửa an toàn, gọi điện báo công an. Không nên đánh để bắt giữ đối tượng. Tìm mọi cách liên hệ ra bên ngoài khi có điều kiện…
Sau khi bị cướp và đối tượng đã thoát đi, không được tự ý truy đuổi một mình vì không an toàn. Trong trường hợp đó cần hô hoán, huy động hàng xóm truy đuổi và gọi điện báo Công an ngay (mô tả, cung cấp thông tin hung thủ, đặc điểm nhận dạng, hướng bỏ chạy...) để truy xét theo dấu vết “nóng”.
Nếu có người bị thương cần khẩn trương đưa đi cấp cứu. Nhớ phải giữ nguyên hiện trường, không động chạm đến những nơi, vật mà tên cướp đã đặt tay vào” - Thượng tá Vân tư vấn.
Theo Đào Trung Hiếu (Cảnh sát Toàn cầu)