Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

8 dấu hiệu Donald Trump thất hứa với cử tri Mỹ

Ông Donald Trump có nhiều phát biểu né tránh hoặc đi ngược lại những cam kết đầy mạnh mẽ từng đưa ra để lôi kéo cử tri, chưa đầy một tuần sau khi đắc cử tổng thống Mỹ.

 

8-dau-hieu-donald-trump-that-hua-voi-cu-tri-my

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: AP

 

Trong chiến dịch vận động tranh cử, tỷ phú Donald Trump đã công bố nhiều cam kết đánh trúng tâm lý giận dữ của cử tri Mỹ trước chính quyền Washington, cũng như những mối lo lắng về các vấn đề an ninh và việc làm. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau khi đắc cử, ông Trump cùng bộ máy cố vấn đang có dấu hiệu thay đổi quan điểm, theo Independent.

 

Bãi bỏ Obamacare

 

Ông Trump từng chỉ trích chính sách mang tính biểu tượng của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi cho phép hàng triệu người nghèo được tiếp cận bảo hiểm y tế. Thời điểm còn vận động tranh cử, ông tuyên bố sẽ loại bỏ chính sách này. "Chúng ta sẽ làm việc ấy rất nhanh chóng. Đó là một thảm họa", nhà tài phiệt New York lúc bấy giờ nói.

 

Hiện tại, ông lại hạ giọng và cho biết có thể sẽ chỉ đơn giản là điều chỉnh Obamacare, duy trì những trụ cột của chính sách này như cấm các công ty bảo hiểm từ chối chi trả theo những điều khoản lập từ trước hay cho phép người trẻ tuổi được hưởng bảo hiểm theo bảo hiểm của cha mẹ. Ông Trump khẳng định đã bị ông Obama thuyết phục giữ lại các nội dung trên.

 

Tống giam Hillary Clinton

 

Trong chiến dịch vận động, ông Trump tuyên bố sẽ chỉ định một công tố viên để điều tra các cáo buộc chống lại đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton, liên quan đến vụ việc bà sử dụng email cá nhân cho việc công khi còn làm ngoại trưởng. Ông Trump từng gọi đây là vụ bê bối "nghiêm trọng hơn cả Watergate".

 

Tại các buổi vận động, những người ủng hộ ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa thường xuyên hô vang câu khẩu hiệu: "Giam bà ta lại, giam bà ta lại". Khi tranh luận trực tiếp, ông Trump đã nói với bà Clinton rằng "nếu tôi đắc cử, bà sẽ phải ngồi tù".

 

Thế nhưng khi được hỏi về kế hoạch trên sau khi đắc cử, ông Trump tuyên bố: "Đó không phải điều tôi nghĩ đến nhiều".

 

Chỉ sau một cuộc điện đàm với bà Clinton, ông Trump dường như bị thuyết phục rằng cựu ngoại trưởng Mỹ không phải một chính trị gia có "hành động tham nhũng ở quy mô ta chưa từng thấy" mà thực chất là người "không thể tốt bụng hơn".

 

Bức tường ngăn Mexico

 

Lúc tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ "xây dựng một bức tường" ngăn người Mexico nhập cư vào Mỹ. Nhà tài phiệt New York thậm chí quả quyết Mexico sẽ là bên phải trả tiền xây bức tường này.

 

Nhưng cố vấn của ông Trump, cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich khi trả lời báo giới mới đây lại khiến nhiều người cho rằng có vẻ bức tường trên sẽ mãi chỉ là ý tưởng.

 

"Ông ấy sẽ dành nhiều thời gian để kiểm soát tuyến biên giới đó. Có thể ông ấy sẽ không dành thời gian để yêu cầu Mexico trả tiền nhưng đây rõ ràng là một công cụ tranh cử tuyệt vời", ông Gingrich nói.

 

Cấm cửa người Hồi giáo

 

Người ủng hộ tỷ phú Trump đã hò reo, bất chấp sự giận dữ của cả thế giới, khi ông hồi năm ngoái tuyên bố Mỹ cần "cấm cửa hoàn toàn và tất cả người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ". Ý tưởng này sau đấy được sửa thành cấm những người đến từ các quốc gia "bị chủ nghĩa khủng bố làm suy yếu".  

 

Sau cuộc họp với các lãnh đạo đảng Cộng hòa, khi một phóng viên hỏi "ông có đề nghị Quốc hội cấm toàn bộ người Hồi giáo nhập cảnh hay không", tổng thống Mỹ mới đắc cử dù có lẽ nghe thấy nhưng vẫn chỉ cảm ơn mọi người và bỏ đi, phớt lờ câu hỏi.

 

Đánh thuế Trung Quốc

 

Khi cáo buộc các cường quốc nước ngoài làm suy yếu ngành công nghiệp Mỹ, Trump chỉ đích danh Trung Quốc là thủ phạm. Thông điệp tranh cử của ông tuyên bố hàng hóa Trung Quốc "cần bị đánh thuế 45%".

 

Tuy nhiên, Wilbur Ross, cố vấn cấp cao về chính sách cho ông Trump, nay diễn đạt lại.

 

"Ông ấy đã bị trích dẫn sai về mức thuế 45% đối với hàng hóa Trung Quốc. Mọi người đều nói rằng 'ông ấy sẽ đánh thuế 45% mọi thứ đến từ Trung Quốc'. Nhưng đấy không phải lời ông ấy nói và cũng không phải điều ông ấy định thực hiện".

 

"Điều ông Trump thực sự muốn nói là nếu đồng nhân dân tệ bị định giá sai 45%, hoặc lên tới 45%, và nếu họ không chịu đàm phán với chúng ta, có lẽ ta cần đe dọa đánh thuế họ 45%".

 

Thỏa thuận hạt nhân với Iran

 

Hồi tháng 10, ứng viên phó tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Mike Pence lúc bấy giờ khẳng định chính quyền tổng thống Trump sẽ "xé tan thỏa thuận với Iran". Song, sau chiến thắng hôm 8/11, cố vấn của ông Trump Walid Phares đã trả lời kênh BBC rằng: "Xé tan có lẽ là một từ quá mạnh. Ông ấy sẽ chấp nhận thỏa thuận đó, bởi nó đã được thông qua trong bối cảnh quốc tế, và sau đấy sẽ tiến hành rà soát".

 

Các nước đồng minh phải tự trả tiền bảo vệ mình

 

Các đồng minh của Mỹ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từng sốc khi tỷ phú Trump ngụ ý sẽ thôi ủng hộ liên minh này một khi đắc cử, nếu ông không cảm thấy họ đã hoàn thành trách nhiệm phòng thủ của mình.

 

Ông cũng khẳng định Mỹ sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc trừ khi nước này chấp nhận chi trả nhiều hơn. Nhưng sau cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, văn phòng của bà Park cho biết ông Trump cam kết sẽ bảo vệ Hàn Quốc theo thỏa thuận liên minh an ninh hiện có.

 

Tái áp dụng biện pháp tra tấn

 

Giới phê bình từng "sôi sục" khi ông Trump trong chiến dịch tranh cử quả quyết rằng sẽ cho phép cơ quan chức năng tái sử dụng hình thức tra tấn bằng cách gây cảm giác ngạt nước, vốn bị xem là phi pháp từ thời chính quyền Tổng thống Bush.

 

Mới đây, kênh CNN dẫn lời cựu chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers nhận định những bình luận mà ông Trump đưa ra "chỉ là để tranh cử".

 

Hoàng Nguyên - Báo VnExpress

Bình luận