Bí ẩn hội chứng 'Thị lực mù': Khi người mù không khác người sáng mắt
Một số người mù trên thế giới có khả năng vô cùng kỳ lạ khi họ vẫn có thể cảm nhận được những thứ xung quanh không khác gì so với người sáng mắt.
Theo BBC, hiện tượng này được gọi là hội chứng 'Thị lực mù' - một trong những hiện tượng gây tò mò nhất của nhận thức.
Milina Cunning, người mắc hội chứng 'Thị lực mù'. Ảnh: The Digital Human
Milina Cunning, sống ở thị trấn Wishaw, Scotland, là người mắc hội chứng kỳ lạ này. Lúc 20 tuổi, Cunning bị mù nhưng sau đó cô nhận ra bản thân có một khả năng kỳ diệu. Người phụ nữ mù có thể 'nhìn được' mọi thứ xung quanh không khác gì người mắt sáng. Nhiều nhà khoa học đã tìm tới Cunning để nghiên cứu.
"Nếu tôi ném quả bóng bàn về phía đầu của Cunning, cô ấy có thể né tránh ngay trước khi cô ấy nhận thức được nó", Jody Culham, nhà khoa học nghiên cứu về trường hợp của Cunning, cho hay.
"Khi vào bệnh viện, mắt tôi vẫn còn nhìn rõ. Vì sức khỏe yếu, tôi bị hôn mê suốt 52 ngày. Khi tỉnh dậy, tôi chẳng còn thấy gì ngoài một màu đen. Các bác sĩ nói tôi bị đột quỵ trong lúc hôn mê. Nó chính là nguyên nhân khiến tôi bị mù. Thời gian trôi qua, mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Trong 6 tháng, tôi nghĩ tôi có thể nhìn thấy một số màu nhưng tôi nói chẳng ai tin. Vì vậy tôi đã tiếp xúc với giáo sư Gordon Dutton, một nhà thần kinh học. Và ngay lần đầu nhìn thấy tôi, ông ấy đã khẳng định tôi mắc hội chứng 'Thị lực mù'".
Theo lời Cunning, giáo sư Dutton đã làm vài bài thử để kiểm tra nhận định của mình. Một trong số đó là thí nghiệm đặt nhiều ghế bên ngoài hành lang bệnh viện và yêu cầu Cunning đi qua đoạn hành lang đó. Bắt đầu với những bước bình thường, người phụ nữ Scotland liên tục va vào ghế. Nhưng sau khi ông Dutton yêu cầu Cunning đi nhanh hơn, cô không hề chạm vào bất cứ ghế nào.
Theo Cunning, lời nói của giáo sư đã tác động tới cô. "Đừng nghĩ nhiều về nó, cứ đi thôi!", giáo sư Dutton nói. Sau khi nghe những lời ấy, tiềm thức trong tôi đã chỉ cách để tôi tránh va vào những chiếc ghế.
"Tôi có thể đi quanh nhà, dọn dẹp đồ đạc dù tôi không thể nhìn thấy chúng. Tôi vẫn biết chúng ở đó nhờ bộ não", Cunning chia sẻ.
Ảnh minh họa: BBC
Trước đây, các nghiên cứu về thị lực cho thấy thông tin hình ảnh từ đôi mắt qua vùng đồi não rồi tới khu V1 nằm ở sau đầu. Tại đây, thông tin được biến đổi thành các phân cảnh có màu sắc, chất liệu, không gian 3D, tạo thành nhận thức thị giác.
Những người bị khiếm thị do V1 tổn thương nhưng mắt vẫn lành lặn vẫn có thể cầm nắm đồ vật, né tránh, đi lại thoải mái bởi cầu mắt lành lặn giúp não bộ thu thập thông tin, tín hiệu hình ảnh xung quanh để chỉ dẫn hành vi. Điều này lý giải một phần hội chứng 'Thị lực mù' mà Cunning và một số người khác gặp phải.
Dẫu bị tiếng là người mù, những người mắc hội chứng 'Thị lực mù' lại có khả năng nhận thức thị giác vô thức, nhất là khi nhận diện cảm xúc và tâm trạng bột phát. Họ có thể đoán chính xác các cảm xúc ái, ố, hỉ, nộ, ngạc nhiên,... và thậm chí việc bắt chước các biểu hiện này cũng không khó. Bên cạnh đó, ngoài khả năng phản ánh xúc cảm, những bệnh nhân này có thể cảm giác được thời điểm các xúc cảm ấy ảnh hưởng đến cử chỉ cơ thể, như các cơ mặt co lại, đồng tử giãn ra để phản ứng lại. Nếu được huấn luyện đầy đủ, người mắc hội chứng có thể nhận thức được sự vật hiện tượng ở thế giới xung quanh, tránh được nguy hiểm.
Nguyễn Thái (Theo BBC) / Ngaynay.vn