Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, chiến tranh bùng nổ?

Tàu chiến và tàu ngầm Mỹ đã tới bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên cũng vừa tiến hành diễn tập pháo binh quy mô lớn. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, liệu chiến tranh có bùng nổ trên bán đảo này?

Một sơ xuất nhỏ cũng dẫn đến chiến tranh

 

tt

Pháo binh Triều Tiên. Ảnh: Rodong Sinmun

 

Theo CNN, các nhà phân tích lo sợ tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng, chỉ một hành động thiếu kiểm soát nhỏ cũng có thể dẫn tới đổ máu.

 

"Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người động thủ trước. Tình hình hiện tại vô cùng nguy hiểm", Bruce Bennett, nhà phân tích quân sự cấp cao của tập đoàn RAND (Mỹ), nói.

 

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia vẫn tin chiến tranh khó có thể nổ ra dù có một tính toán sai lầm đi chăng nữa.

 

Theo Carl Schuster, giáo sư đại học Hawaii Pacific (Mỹ), nếu chiến tranh xảy ra, quân đội Mỹ và các lực lượng vũ trang sẽ được đặt trong tình trạng tự vệ (Defcon 2). Đồng thời, giới chức sẽ có một thông báo chính thức và công khai.

 

Khi ấy, quân đội Mỹ cũng sẽ chuẩn bị sẵn sàng và thêm một tàu sân bay sẽ được điều tới khu vực Đông Á, mà tàu sân bay thường không di chuyển được nhanh. Trong khi đó, bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho biết cụm tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ rời bán đảo Triều Tiên vào cuối tháng 4. Và không có thêm bất cứ thông tin nào về hoạt động của các tàu sân bay khác.

 

Theo giáo sư Schuster, mọi người cũng cần quan sát động thái từ phía Triều Tiên, nhất là xe tăng và pháo binh. Hàng trăm khẩu pháo đã rời khỏi kho pháo của Bình Nhưỡng, đó là dấu hiệu đáng lo ngại. Tuy nhiên, đây là một con số chỉ phù hợp với cuộc diễn tập quy mô lớn chứ không phải cho một cuộc chiến 'một mất, một còn'. Để chuẩn bị cho chiến tranh, con số phải gấp nhiều lần, tới mức có thể quan sát được qua vệ tinh.

 

'Yếu nhân Donald Trump'

 

trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN

 

Vấn đề phức tạp còn nằm ở phía chính quyền Washington. Việc ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ mở ra kỷ nguyên của những cuộc đàm phán cứng rắn và đầy rủi ro.

 

Tổng thống Mỹ và các nhân tố chính trong nội các của ông từng thống nhất về phương sách đối phó với Triều Tiên, "kỷ nguyên của sự nhẫn nại chiến lược đã chấm dứt" và "mọi khả khả năng bao gồm chiến tranh đều được để ngỏ".

 

Ông Trump đang thúc giục Trung Quốc tạo thêm sức ép kinh tế lên Triều Tiên để quốc gia này từ bỏ chương trình hạt nhân. Trong khi đó, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Washington sẽ tranh thủ sự ủng hộ của các nước đồng minh và 'hàng xóm' của Bình Nhưỡng.

 

Vấn đề đáng quan tâm là dù Mỹ có gia tăng áp lực hay liên hợp với các nước khác để đối phó Triều Tiên, kết quả cũng không đáng kể. Bình Nhưỡng thường 'phớt lờ' mọi động thái của Mỹ và các nước khác.

 

Toan tính của ông Kim Jong-un

kim

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Mirror

 

Một câu hỏi khác mà nhiều chuyên gia đặt ra là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chuẩn bị làm gì? Mục đích mà Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân là để đảm bảo cho sự sống còn của quốc gia này.

 

"Triều Tiên tin rằng cách duy nhất để họ ngăn cản Mỹ tấn công chính là sở hữu vũ khí hạt nhân", Joe Bermudez, một nhà phân tích thuộc nhóm 38 North - nhóm quan sát tại Triều Tiên - cho biết.

 

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 26/4 tuyên bố: "Bình Nhưỡng luôn yêu chuộng hòa bình, song người dân nơi đây cũng không ngại chiến tranh để bảo vệ đất nước".

 

Động thái của những 'người hàng xóm'

 

Tình trạng căng thẳng leo thang khiến những 'người hàng xóm' của Triều Tiên phải chuẩn bị cho điều tệ nhất - chiến tranh.

 

Tháng trước, Nhật Bản đã tổ chức cuộc diễn tập di tản đầu tiên, đồng thời hướng dẫn người dân nước này những việc cần làm nếu chiến tranh xảy ra. Người Mỹ ở Hàn Quốc cũng được diễn tập sơ tán hồi năm ngoái. Trong khi người dân Hàn Quốc mỗi năm đều có một hoặc 2 lần diễn tập.

 

Trung Quốc là nước đóng vai trò trung gian, đề xuất những giải pháp để làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, dẫu cho Mỹ và Triều Tiên đều từ chối chúng. Sở dĩ Bắc Kinh làm vậy là để tránh một cuộc xung đột quy mô lớn. Nó sẽ tác động không nhỏ tới nước này như người tị nạn từ Triều Tiên tràn vào lãnh thổ hay quân đội Mỹ sẽ tập trung ở biên giới Trung-Triều, đe dọa đến an ninh của Bắc Kinh.

 

Các chuyên gia phân tích nhận định, các bên đều tin một cuộc chiến quy mô lớn sẽ gây thiệt hại nặng nề và không phục vụ lợi tích cho bất kỳ phe nào.

 

Nguyễn Thái (Theo CNN) / Ngaynay.vn

Bình luận