Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Tự sự ngày 8/3 của một ông bố: Phụ nữ không được sẻ chia thật khốn khổ

Ngày 8/3, khi khắp nơi đều tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ, khi ở trường học, thầy cô đều dạy các con gửi lời chúc đẹp nhất tới mẹ của mình… 8/3, ngày phái yếu được cả thế giới quan tâm, chúc tụng… ở đâu đó, vẫn còn những người đàn ông âm thầm, lặng lẽ chăm lo, ân cần, thương yêu con vô bờ bến bởi trên đời không còn bóng dáng người vợ…

Có mẹ chăm con đã khó, ba nuôi con vất vả đến muôn phần

 

Tôi biết đến anh trong lần tình cờ lướt mạng… Một ông bố đơn thân lặn lội mọi diễn đàn chỉ với mong muốn tìm nguồn sữa mẹ cho con gái mình… Một người bố với khát khao cháy bỏng nuôi con bằng những gì tự nhiên nhất…

Mọi thứ thôi thúc tôi tìm gặp, nghe anh chia sẻ về chặng đường nuôi con vừa vui, vừa đẹp lại vừa không ít chông gai của anh - một chàng trai vốn là dân kỹ thuật, từng trong đội vô địch Robocon châu Á - Thái Bình Dương.

 

Không dè dặt, nép mình, không tự ti, buồn tủi dù cuộc sống từng trải qua nỗi đau đớn, mất mát tột cùng. Đáp lại những câu hỏi của tôi, anh niềm nở trải lòng về cuộc sống gà trống nuôi con của mình, của một ông bố 8X cùng con gái được anh gọi với cái tên thân mật ở nhà là Ủn.

 

Sau khi sinh 10 ngày, vợ anh đột ngột qua đời vì cơn tai biến sản khoa... Ngày đón con về từ bệnh viện, trên taxi chỉ có ba và con... 

 

"Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay...". Một mẹ, một cha nuôi con đã khó, công sức của một người ba trẻ chăm con tủi khổ đến muôn phần… Anh hoang mang, lo sợ trước bão dông bất ngờ ập đến... Rồi sẽ ra sao khi cả nguồn sống bỗng chốc thu bé lại vừa bằng một thiên thần nhỏ trên tay ba...

 

Tu su ngay 8/3 cua mot ong bo: Phu nu khong duoc se chia that khon kho hinh anh 1

 

Thương con gái thiệt thòi vì sớm mất tình yêu thương, chăm sóc của mẹ, anh tự nhủ sẽ phải dành trọn sức lực chăm con. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, anh phải học từ học cách thay tã, cho con ăn và mang túi dự trữ đi xin sữa của các bà mẹ để đảm bảo dinh dưỡng cho con gái.

 

Sau này là việc đánh thức con dậy mỗi sáng, thúc nàng đánh răng, vệ sinh cá nhân và thay đồ đi học... là lúc hai bố con cùng bước khỏi nhà, chào đón một hành trình dài rồi hẹn gặp nhau lúc tan tầm, đón nàng đi chợ mua đồ về nấu ăn... Thậm chí nhiều lúc bận rộn vô cùng nhưng anh vẫn cố dành thời gian chăm lo từng giấc ngủ cho nàng rồi mới ngồi cả đêm làm bạn với mớ bòng bong công việc.

 

"Không biết phải gọi tên những tháng ngày ấy là hạnh phúc hay bất hạnh, nhưng chắc chắn đó là một bước ngoặt cuộc đời đối với ba. Nó thay đổi mọi thứ quanh ba, thay đổi cách nhìn về cuộc sống, cho ba những trải nghiệm chiều sâu về tình cảm và tâm lý...".

 

Tu su ngay 8/3 cua mot ong bo: Phu nu khong duoc se chia that khon kho hinh anh 2

 

Ngần ấy năm nuôi con, đối với anh, đó là một hành trình kỳ diệu nhưng cũng đầy thử thách luôn cần học hỏi để có thể làm điều tốt nhất cho con. Nuôi con, anh thấy mình trưởng thành hơn, kiên nhẫn hơn, cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.

 

"Ít ra cuộc đời đã không lấy đi của ba tất cả, ba vẫn còn Ủn để nhớ, để thương, để quay về tìm nơi bình lặng sau cơn sóng dữ. Có nơi để tìm chút hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng là tất cả với ba bây giờ...".

 

5 năm chăm con, quãng thời gian không dài với một đời người, nhưng thật gian truân với một ông bố trẻ hàng ngày tìm cách chăm bẵm con.

 

"Con đã níu ba lại trong những khoảnh khắc đen tối nhất cuộc đời, nếu không có Ủn, ba không biết sẽ ra sao...". Trong cuốn nhật ký của mình, anh từng nhòe mắt xót xa trước những éo le của cuộc sống.

 

Tu su ngay 8/3 cua mot ong bo: Phu nu khong duoc se chia that khon kho hinh anh 3

 

"Ba từng cực khổ xoay xở thay tã khi con tè rồi dỗ khi con khóc đói. Khóc một chặp nhưng chưa được bú con đành nhét ngón cái vào mút, nhìn con ba lại chảy nước mắt. Chưa bao giờ ba thấy mình mít ướt tới vậy...".

 

Cũng không ít lần, vì tủi hổ, loay hoay phận đời, anh đành trải lòng trong bất lực: "Mẹ ra đi chỉ mới là khởi đầu của bất hạnh, có những lúc ba tưởng nó đã qua. Nhưng ba vẫn đang ngập ngụa trong đống bầy nhầy của nó. Mẹ cũng hiểu điều đó mà, nên mẹ từng cấm ba chết trước vì mẹ nói người chết thì dễ nhưng người ở lại khổ lắm...".

 

"Ba từng nghĩ, chăm sóc con cái là bản năng của riêng những người mẹ. Ba từng nghĩ, nếu là đàn ông thì phải học hỏi rất rất nhiều. Nhưng không, đó chỉ là suy nghĩ của một người bình thường. Còn khi hoàn cảnh xô đẩy, ba thấy ba cũng có năng khiếu đấy thôi...".

 

Tu su ngay 8/3 cua mot ong bo: Phu nu khong duoc se chia that khon kho hinh anh 4

 

Ai còn vợ hãy cố gắng cảm thông, chăm sóc cho người phụ nữ của mình

 

Ngày 8/3, vẫn cứ lịch trình ấy, anh thức dậy, cùng con chuẩn bị những thủ tục đơn giản để bước ra ngoài với hành trình như bao ngày bình thường khác. Ngày 8/3, anh cũng không nhận được lời chúc hay cảm ơn nào dù có lẽ cuộc đời nhuốm màu một người mẹ...

 

"Chăm con là quãng thời gian bỡ ngỡ, sai lầm và hàng ngàn mệt mỏi. Những lúc đó ba chỉ biết để cảm xúc nhấn chìm mình, không gục ngã thì sẽ vực mình dậy thôi.

 

Mà đâu còn lựa chọn nào là phải đứng dậy để che chở và bảo vệ cho con. Đôi lúc ba thèm được gục ngã mà không thể…

 

Tu su ngay 8/3 cua mot ong bo: Phu nu khong duoc se chia that khon kho hinh anh 5

 

Sau khi mất mẹ Ủn, ba từng nghĩ sẽ không thể yêu ai khác, nhưng ba cũng đã sai. Con tim ba cũng đã có lúc vui trở lại, tất nhiên đó cũng mà một giai đoạn thử thách và không giống ai".

 

Khi tôi hỏi "anh có muốn tìm cho con một người mẹ khác không?"… Anh bật cười cho rằng phải hỏi có thể tìm người phụ nữ nào cùng vun đắp gia đình mới không? Bởi việc làm mẹ đâu phải đơn giản nói làm được sẽ làm tốt đâu? Bởi ngoài việc làm mẹ Ủn thì phải yêu ba Ủn trước đã...

 

Đối với anh, ngoài gánh nặng về công việc gia đình, người phụ nữ có một gánh nặng tâm lý vô hình không phải ai cũng thấy được. Những áp lực tâm lý mà dù là một người đàn ông ở vai trò làm mẹ cảm nhận cũng không thể tưởng tượng nổi... Những áp lực đó dồn nén từ những chuyện nhỏ nhặt như cây tăm, cọng chỉ không phải lúc nào cũng dễ giải tỏa.

 

Là đàn ông đôi khi có thể lớn tiếng, điều đó giúp giải tỏa tâm lý, nhưng phụ nữ ít khi làm được vậy, nhất là khi phải sống với bố mẹ chồng... Nếu được chồng thông cảm là điều hạnh phúc, chẳng may không thì thật khốn khổ!

 

Phụ nữ ngoài áp lực công việc còn hàng ngàn gánh nặng, mối lo cuộc sống đè nén đôi vai, chưa kể còn trải qua sinh nở, tâm sinh lý nhiều thay đổi dễ bị trầm cảm nặng sau sinh. Bởi vậy, các ông chồng hãy cố gắng thông cảm và nếu được hãy làm cái van để xả bớt áp suất tâm lý cho vợ...

 

Nguồn: news.zing.vn

Bình luận