Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Năm Đinh Dậu 2017 là năm con gà nên nhiều gia đình kiêng không cúng gà đêm Giao thừa.

 

Từ xa xưa, người Việt vẫn thường dùng gà trống để cúng đêm Giao thừa với mong muốn "gọi mặt trời". Quan niệm người xưa cho rằng, giao thừa là thời điểm đêm trời đất tối tăm nhất, bởi đó là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất. Nhà nhà bảo nhau cúng gà trống để con gà sẽ đánh thức mặt trời, mang lại ánh sáng đủ đầy cho cả năm.

 

Ngoài ra, hình ảnh gà trống chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Trong 12 con giáp, gà trống được cho là loài có 5 đức lớn: Một là: Đầu có mào như đội mũ, thân có màu lông đẹp như quần áo, gọn gàng đó là Văn; Hai là: Chân cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí, ấy là Võ; Ba là: Thấy đối thủ là xông vào, ấy là Dũng; Bốn là: Tìm thấy thức ăn liền gọi đồng loại, đó là Nhân; Năm là: Đúng giờ, đúng canh liền cất tiếng gáy, ấy là Tín. Trong đó, gà lấy đức Tín làm đầu. Bất kể mùa đông hay hè, ngày nắng hay ngày mưa đều gáy đúng giờ, đúng canh.

 

thuc hu quan niem giao thua nam dinh dau 2017 khong duoc cung ga hinh anh 1

Thực hư quan niệm năm Đinh Dậu 2017 không được cúng gà

 

Tuy nhiên, năm Đinh Dậu 2017 là năm con gà nên nhiều gia đình không cúng gà mà thay thế bằng cúng chân giò hoặc một đồ cúng khác, vì cho rằng năm gà cần phải tránh cúng con vật này.

 

Trả lời tờ VnExpress, chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh - Giám đốc Học viện Phong thủy Ngũ hành cho rằng, việc dùng tranh gà, hay gà cúng là tập tục lâu đời, không liên quan đến năm con gà. Đêm Giao thừa và ngày đầu năm mới cúng gà để xóa bỏ điềm xấu, trừ tà, đầu năm đón được trường khí dương tốt lành. Vì vậy, trong năm Đinh Dậu 2017 gia đình bạn hoàn toàn có thể cúng gà, không ảnh hưởng gì.

 

Theo quan niệm xưa, gà cúng trong đêm Giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy, chưa đạp mái với ý nghĩa khoẻ mạnh, tinh khiết, chưa "vướng bụi trần" thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm.

 

Trả lời tờ Trí thức trẻ, Chuyên gia phong thủy, KTS Phạm Thanh Truyền cũng cho rằng không nhất thiết phải kiêng kỵ cúng gà nhưng khuyên các gia đình nên cúng cỗ chay vào dịp Giao thừa.

 

“Quan niệm cúng cỗ đêm Giao thừa là một hình thức lễ nghi nhằm hướng tới yếu tố Chân, Thiện và Mỹ. Vì vậy, gia chủ không nhất thiết phải kiêng kị cúng thịt gà. Tuy nhiên, mâm cỗ cúng đêm Giao thừa nên là cỗ chay” - KTS Phạm Thanh Truyền cho hay.

 

Cùng quan điểm nêu trên, TS Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục cho rằng: “Chiều 30 Tết, gia đình nào cũng cúng lễ mặn gồm bánh chưng, giò - chả, xôi gấc,… và thịt gà. Do vậy, đêm Giao thừa, gia chủ cần cúng đồ chay để thể hiện sự thanh cao, thanh sạch trong mâm cỗ. Hơn nữa, việc cúng đồ chay sẽ giản tiện, ít tốn kém và dồn ứ thực phẩm trong ngày Tết”.

 

Bên cạnh đó, việc cúng cỗ chiều 30 Tết hay đêm Giao thừa cần có chút tiền vàng tượng trưng, không nhất thiết phải nhiều.

 

Theo Minh Anh (Tổng hợp) (Báo Giao Thông)

Bình luận