59 người chết sau hai đợt mưa lũ ở miền Trung và Tây Nguyên
Đợt mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên vào tháng 10 và 11 khiến 59 người chết, 6 người mất tích, thiệt hại vật chất hơn 7.000 tỷ đồng.
Báo cáo tại hội nghị "Rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên" sáng 2/12, ông Trần Quang Hoài (Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai) cho biết, hai đợt mưa lũ diễn ra từ 13 đến 18/10 và từ 30/10 đến 7/11 làm 59 người chết và 6 người mất tích, hơn 190.000 ngôi nhà bị ngập nước, 22.000 ha lúa ngập và hư hại. Tổng thiệt hại vật chất ước tính 7.190 tỷ đồng.
Ông Hoài cho rằng một trong những nguyên nhân khiến thiệt hại về người lớn là người dân, chính quyền địa phương chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chưa thực hiện nghiêm các công điện, nhất là khi lũ lên nhanh.
Theo đại diện các địa phương miền Trung, việc chống lũ gặp khó khăn do nhiều hồ chứa thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu hồ. Ngoài ra, phương án đảm bảo an toàn hạ du, việc phối hợp và thông tin xả lũ của các hồ chứa còn hạn chế.
"Thủy điện Hố Hô xả lũ không đúng quy trình khiến các huyện Hương Khê và Vũ Quang ngập lụt diện rộng. Trong khi đó thượng nguồn của thủy điện này không có thiết bị quan trắc nước, còn hạ du chưa có bản đồ cảnh báo ngập lụt gây khó khăn cho chỉ đạo của địa phương", ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh dẫn chứng.
|
Nhiều ngôi nhà Quảng Bình chìm trong nước trong đợt lũ thứ hai 30/10 đến 7/11. Ảnh: Hoàng Táo.
|
Đánh giá cao công tác chống bão lũ ở các địa phương, nhưng Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng vẫn còn tình trạng chủ quan khi ứng phó thiên tai trong một số bộ phận người dân và lãnh đạo địa phương. Việc vận hành xả lũ của một số hồ chứa còn bất cập, bị động trong vận hành.
Phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đẩy nhanh việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa, để làm cơ sở rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó với mưa lũ.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các tỉnh miền Trung, nhất là Bình Định và Quảng Ngãi đang chịu thiệt hại về người và cơ sở vật chất do mưa lũ, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện ứng cứu, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản người dân. Hiện có ít nhất 3 người ở Bình Định và Quảng Ngãi thiệt hại, nhiều người mất tích và giao thông bị chia cắt.
Trước đó đợt lũ vào tháng 10, các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to, đặc biệt là ở Mai Hóa (Quảng Bình) đạt kỷ lục chưa từng ghi nhận với mức 949 mm. Mưa lớn làm xuất hiện lũ trên hệ thống sông và gây ngập lụt diện rộng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Trong đợt lũ thứ hai từ 30/10 đến 7/11, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rất to và dịch chuyển dần từ Bắc vào Nam. Mưa lớn cũng gây đợt lũ diện rộng ở các sông Trung Bộ và Tây Nguyên.
Nhận định tình hình mưa lũ Trung và Nam Trung Bộ
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, từ nay đến 15/12, Trung và Nam Trung Bộ khả năng xảy ra 3-4 đợt mưa diện rộng. Mưa to tập trung 10 ngày cuối tháng 11. Từ 2 đến 15/12, khu vực có khoảng 2 đợt mưa, tập trung từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa với tổng lượng khoảng 100-150 mm.
Riêng đêm nay và ngày mai, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, trong đó Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi có mưa to, với lượng 50-100 mm.
|
Phạm Hương - VnExpress