Nhóm thủy thủ trong đó có người Việt Nam bị cướp biển Somalia giam giữ trong hơn 4 năm đã phải đấu tranh từng ngày để giành giật sự sống. Họ thậm chí phải ăn chuột để tồn tại.
26 thuyền viên còn sống sót trở về hồi tuần trước. Ảnh: AP
Công dân Philippines Arnel Balbero, đại diện nhóm 26 thủy thủ bị nhóm cướp biển Somalia bắt làm con tin suốt 4 năm, cho biết, trong những tháng ngày bị đọa đầy, họ chỉ được những tên cướp biển cho dùng một ít nước để cầm cự. Nhóm thủy thủ tới từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan cảm thấy mình như những “thây ma” trong những ngày tháng trước khi được tự do.
Họ là 26 trong tổng số 29 thủy thủ trên tàu FV Naham 3 khi bị những tên cướp biển Somalia bắt ở phía nam Seychelles, vùng biển tiếp giáp giữa 3 lục địa Á-Âu-Phi và thường xuyên xảy ra các vụ tấn công của cướp biển. Một thành viên trên tàu bị chúng giết trong cuộc bắt giữ năm 2012.
Một năm sau đó, tàu chìm và các thành viên được đưa tới bờ biển Somalia. Hai thủy thủ chết vì bệnh.
Balbero nói với BBC rằng 4 năm rưỡi bị giam giữ đã biến anh và đồng nghiệp thành những “thây ma”. “Chúng chỉ cho chúng tôi ít nước. Chúng tôi phải ăn chuột và nấu nó ngay trong rừng. Chúng tôi ăn bất cứ thứ gì. Khi đói, bạn sẽ ăn mọi thứ”, Balbero nói.
Anh hiện cảm thấy hoang mang trước tương lai khi không biết sẽ phải bắt đầu lại cuộc sống như thế nào.
Trước đó, theo một clip do nhà lập pháp Đài Loan từng tham gia các cuộc đàm phán con tin có được, một nhóm người đàn ông gầy gò, hốc hác và bao quanh họ là những kẻ có vũ khí và đeo mặt nạ. Đây là đoạn clip được những tên cướp biển ghi lại vào năm 2014 để làm bằng chứng rằng các con tin vẫn còn sống.
Ông Shen Jui-chang trong đoạn clip quay vào năm 2014. Ảnh: BBC
Clip cũng chiếu cảnh Shen Jui-chang (người Đài Loan), kỹ sư trưởng của con tàu bị cướp, nói rằng, họ chỉ được cấp một lít nước/ngày dù trời nóng “cắt da cắt thịt”. "Không có nước, không có thức ăn. Ai trong số chúng tôi cũng đều mắc bệnh”, truyền thông Đài Loan trích lời Shen nói.
Cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết, nhóm thủy thủ được thả tự do sau khi chủ sở hữu con tàu cũng như các nhóm tham gia đàm phán với bọn cướp biển giao nộp cho chúng một khoản tiền chuộc. Tuy nhiên, chưa rõ số tiền chuộc này là bao nhiêu.
Con tàu bị cướp mang cờ Oman nhưng thuộc sở hữu của một công ty Đài Loan.
Nguồn: Tin Tức Việt Nam (tintuc.vn)