Nhiều hộ cá thể có doanh thu hàng trăm tỷ đồng
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết hiện ở TP HCM, Hà Nội có những hộ kinh doanh doanh thu hàng trăm tỷ đồng một năm và số lượng sử dụng hóa đơn gấp nhiều lần doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sáng 26/4, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) thông tin, hiện ở TP HCM, Hà Nội có những hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm tỷ đồng một năm và số lượng sử dụng hóa đơn gấp nhiều lần doanh nghiệp. Và đây sẽ là đối tượng mà cơ quan thuế nhắm đến trong đợt vận động chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Bà Lan cho rằng, hộ kinh doanh không muốn chuyển lên doanh nghiệp có hai nhóm: kinh doanh chân chính ngại lên doanh nghiệp vì sợ thủ tục, nhóm thứ 2 là núp bóng, lợi dụng thuế khoán để xuất hóa đơn bất hợp pháp.
“Tới đây cơ quan thuế sẽ áp dụng quản lý điện tử với hộ kinh doanh khi đó sẽ không còn toàn bộ là khoán theo cách buông lỏng như hiện nay mà sẽ quản lý điện tử, khai điện tử, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là những hộ kinh doanh lớn”, bà Lan khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, dù hiện có hơn 1,6 triệu hộ kinh doanh nhưng số thuế nộp chỉ chiếm vài phần trăm trong số thu.
Theo bà, thất thu thuế ở mảng này là có, do doanh thu ấn định chưa sát. Nhiều cơ sở kinh doanh lớn nhưng số thu rất thấp, dẫn đến nhà nước bị ảnh hưởng và doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Bà Cúc cho rằng, người dân không muốn trốn thuế, bản thân họ muốn thực hiện nhưng thủ tục phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu.
|
Thủ tục nộp thuế hiện vẫn bị cho là rườm rà. Ảnh: PV
|
Về phía mình, nhiều hộ kinh doanh có mặt tại diễn đàn đã đưa ra các lý do khiến họ ngán ngại khi chuyển đổi thành doanh nghiệp liên quan đến hồ sơ phải lưu trữ, thanh kiểm tra, xử phạt ...
Ông Lê Minh, hộ kinh doanh cá thể quận Tân Bình, băn khoăn khi chi phí chuyển đổi lên doanh nghiệp quá nhiều. “Cơ quan thuế có thể khuyến khích bằng cách giảm nộp thuế trong 3-5 năm để hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi không?”, ông Minh đặt câu hỏi.
Ông Huỳnh Tấn Cường, kinh doanh tại quận Bình Tân cũng nói hộ cá nhân không trốn trách nhiệm nộp thuế. Ngành thuế cần có chính sách ưu đãi thuế cho hộ kinh doanh ít nhất 3 năm để doanh nghiệp "siêu nhỏ" này có điều kiện đáp ứng các yêu cầu quản lý.
Thừa nhận thực tế hiện nay, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng điều các hộ kinh doanh băn khoăn nhất là lên doanh nghiệp sợ sẽ phải nộp thuế nhiều hơn. Hiện cán bộ thuế có thể "định đoạt theo ý thích" thì hộ kinh doanh thấy rằng ở mô hình này họ nộp thuế ít hơn, vậy lên doanh nghiệp làm gì khi phải nộp thuế cao hơn mà lại phải giữ sổ sách.
Dẫn chứng cho trường hợp này, bà Cúc cho biết hộ kinh doanh chỉ cần một cuốn sổ chợ là có thể kinh doanh được nhưng lên doanh nghiệp thì theo quy định phải lập đến 5 báo cáo khác nhau trong đó có báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Nhưng doanh nghiệp nhỏ thì cần gì. "Vậy tại sao không có hình thức kế toán đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ với những chuẩn mực phù hợp?", bà Cúc đặt vấn đề.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, doanh nghiệp siêu nhỏ đã trở thành trung tâm, động lực của nhiều nền kinh tế. Thế nhưng ở Việt Nam, thuế, tài chính, chế độ kế toán hiện vẫn là những nút thắt cần được tháo gỡ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp theo mô hình siêu nhỏ.
Các thành phần kinh tế này, theo ông Lộc, cần có được môi trường kinh doanh an toàn, ít rủi ro, được tôn trọng với chính sách hoạt động đầy thuận lợi, cùng một chi phí thấp nhất để tạo ra được lợi nhuận.
Theo ông, tình trạng chung chi diễn ra phổ biến hiện nay giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh dẫn đến cán bộ thuế và hộ kinh doanh có lợi nhưng nhà nước thiệt. “Việt Nam nên đưa ra mức thuế gần với mức mà hiện nay hộ kinh doanh đang nộp, nhưng tất nhiên cao hơn, khi đó Nhà nước được lợi vì thu được nhiều hơn, hộ kinh doanh cũng không bị sốc, còn phần của cán bộ thuế không còn nữa" ông Lộc đề nghị.
Bà Cúc cũng cho rằng, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, cần tạo điều kiện tốt nhất, kết hợp yếu tố khuyến khích, tự nguyện chuyển đổi với việc áp dụng hình thức bắt buộc nhằm tuân thủ pháp luật đối với hộ sử dụng từ 10 lao động, quy mô lớn, doanh thu cao...
Cùng với đó, cần triển khai biện pháp quản lý thuế đối với hộ khoán thông qua các biện pháp nghiệp vụ cụ thể để điều chỉnh doanh thu khoán đối với các hộ kinh doanh hiện hành, đảm bảo thu thuế theo doanh thu thực tế phát sinh, theo nguyên tắc thuế khoán tối thiểu bằng hoặc cao hơn kê khai.
Mặt khác, cần sớm ban hành Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó hoàn thiện sửa đổi hệ thống chính sách pháp luật thuế hiện hành đảm bảo tính đồng bộ, rõ ràng minh bạch; thống nhất trong thực hiện; trong đó có ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên, ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ.
Ngoài ra, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh được ưu đãi thuế như doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm bắt buộc… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động đúng luật.
Lệ Chi - VnExpress