Loài cua kỳ lạ cư ngụ hoàn toàn trên cây ở Ấn Độ
Các nhà khoa học phát hiện một loài cua sống trên thân cây trong những khu rừng ở phía nam Ấn Độ.
|
Một con cua Kani maranjandu. Ảnh: Đại học Kerala.
|
Các nhà khoa học tại Đại học Kerala, Ấn Độ, phát hiện một loài cua mới kỳ lạ, sống trên cây trong những khu rừng ở vùng Western Ghats, phía nam Ấn Độ. Chúng được mô tả trong bài báo đăng trên tạp chí Crustacean Biology hôm 3/4.
Bộ tộc Kani địa phương biết về sự tồn tại của những con cua đặc biệt này nên đã giúp đỡ nhóm nghiên cứu tìm thấy chúng. Để ghi nhận công sức của họ, loài cua được đặt tên khoa học là Kani maranjandu.
Đây là lần đầu tiên giới khoa học phát hiện một loài cua sống hoàn toàn trên cây. Nhà của chúng là các vũng nước trong lỗ rỗng của cây, thay vì trên mặt đất giống cua thông thường.
Con người ít biết đến cua Kani maranjandu một phần do bản tính của chúng khá nhút nhát. Người dân bộ tộc Kani đã dạy cho các nhà nghiên cứu cách xác định vị trí của con vật bằng cách tìm kiếm những mảnh gỗ vụn và bong bóng khí bị đẩy ra khỏi lỗ trên cây. Cua Kani maranjandu có lớp vỏ màu tím đen và chân thon dài thích hợp với cuộc sống trên cây.
Các nhà khoa học cho biết đây là khám phá rất quan trọng. Cua Kani maranjandu đóng vai trò là sinh vật chỉ thị trong lĩnh vực sinh thái học. Nơi nào có số lượng cua nhiều thì chứng tỏ nơi đó hệ sinh thái rừng vẫn tốt.
"Lỗ rỗng chứa nước trên cây lớn là môi trường sống của loài cua độc đáo này. Chúng ta cần phải bảo vệ những cây lớn trong hệ sinh thái rừng đang bị suy thoái ở vùng Western Ghats", Biju Kumar, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Lê Hùng - VnExpress