Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Những đề xuất công trình cạnh Hồ Gươm gây ý kiến trái chiều

Trong 7 năm, có ít nhất 5 ý tưởng công trình xung quanh Hồ Gươm (Hà Nội) nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có những đề xuất đã không thành hiện thực. 

Khách sạn 5 sao tại số 10 Trần Nguyên Hãn

 

Năm 2010, Tổng công ty Thiết bị điện VN đề nghị nghiên cứu triển khai xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn trên diện tích đất rộng gần 10.000 m2 tại số 10 phố Trần Nguyên Hãn và số 27-29 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong đó có một khách sạn cao 10 tầng.

 

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội không cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án, do các công trình tại đây không được quá 8 tầng. Hiện dự án này vẫn trong quá trình chờ các thủ tục liên quan.

 

nhung-de-xuat-cong-trinh-canh-ho-guom-gay-y-kien-trai-chieu

Phối cảnh trung tâm thương mại, khách sạn tại số 10 Trần Nguyên Hãn. 

 

Trước đó vài năm, Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng dự định xây dựng trung tâm tài chính thương mại tại đường Đinh Tiên Hoàng (cạnh Hồ Gươm) với chiều cao các khối nhà từ 4 đến 14 tầng. Tuy nhiên, dự án phải dừng lại do sự phản đối quyết liệt của dư luận, lo ngại công trình ảnh hưởng tới cảnh quan khu vực trung tâm văn hóa, lịch sử của Hà Nội.

 

Tòa nhà văn phòng tại số 2 Lê Thái Tổ

 

Cũng trong năm 2010, UBND quận Hoàn Kiếm khởi công xây dựng văn phòng Ban quản lý khu vực hồ Gươm tại số 2 Lê Thái Tổ cao 3 tầng, một tầng hầm. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến phản đối dự án của một số chuyên gia quy hoạch kiến trúc, Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu ngừng thi công tòa nhà, đồng thời yêu cầu quận Hoàn Kiếm dành khu đất đó làm không gian công cộng phục vụ nhân dân.

 

Theo Văn phòng UBND thành phố, việc UBND quận Hoàn Kiếm tự ý phê duyệt dự án công trình Ban quản lý hồ Gươm là sai, bởi việc triển khai cần có ý kiến của Bộ Xây dựng về quy hoạch kiến trúc.

 

nhung-de-xuat-cong-trinh-canh-ho-guom-gay-y-kien-trai-chieu-1

Phối cảnh Ban quản lý Hồ Gươm tại số 2 Lê Thái Tổ từng bị giới kiến trúc sư phản đối. 

 

Sau vài năm, tại khu đất này, thành phố Hà Nội đã cho phép xây dựng Trung tâm văn hóa Hồ Gươm diện tích 242 m2, cao 3 tầng, để triển lãm, trưng bày, giới thiệu các giá trị về di sản hồ Gươm và quảng bá du lịch hồ Gươm.  

 

Đại lộ danh vọng 

 

Vào tháng 1/2017, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển lãm các phương án xây dựng, chỉnh trang khu vực trung tâm Hồ Gươm để lấy ý kiến người dân như cải tạo vườn hoa Lý Thái Tổ, lát đá lòng đường, kè cỏ quanh bờ Hồ Gươm...

 

Trong đề án, đơn vị tư vấn đưa ý tưởng tuyến đường ghi danh kéo dài từ tháp Hòa Phong đến đền Bà Kiệu, dọc đường khắc tên những nghệ sĩ, danh nhân, nhà khoa học, nhà nghiên cứu có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội, tương tự đại lộ danh vọng của Mỹ. 

 

Sau khi ý tưởng này được đưa tham vấn ý kiến của cộng đồng, nhiều chuyên gia và người dân đã phản đối nên UBND quận Hoàn Kiếm chỉ đạo đơn vị tư vấn loại bỏ nội dung làm "tuyến phố ghi danh".  

 

Mô hình khỉ Kong quảng bá phim

 

Đầu tháng 3 năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Hà Nội cho phép dựng mô hình khỉ Kong trong bộ phim Kong: Skull Island (Đảo Đầu Lâu) tại một vị trị nổi bật ở khu vực phố đi bộ Hồ Gươm.

 

Mô hình dự kiến cao tối đa 5m bằng chất liệu xốp, hình ảnh 3D để quảng bá phim và du lịch các tỉnh có bối cảnh phim. 

 

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, sau khi tham khảo ý kiến của dư luận, đặc biệt là các nhà khoa học, thì thấy rằng vị trí đặt mô hình khỉ Kong ở khu vực tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, thậm chí ở khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm là không phù hợp. Do đó, Hà Nội đã không chấp thuận việc đặt mô hình khỉ Kong tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

 

Tượng rùa vàng bên Hồ Gươm

 

Ngày 28/3, ông Tạ Hồng Quân, một công dân Thủ đô, cho biết vừa trình UBND TP Hà Nội đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm” đặt tại khu vực phố đi bộ.

 

nhung-de-xuat-cong-trinh-canh-ho-guom-gay-y-kien-trai-chieu-2

Mô hình rùa vàng do ông Tạ Hông Quân đề xuất. 

 

Theo đề án, tượng rùa hồ Hoàn Kiếm sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 m, cao 3,5 m, nặng khoảng 6-10 tấn đồng. Tác giả đề xuất hai phương án đặt rùa tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng hoặc tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn; kinh phí đúc tượng được huy động xã hội hóa.

 

Ông Quân mong muốn tượng rùa vàng sẽ trở thành biểu tượng Hà Nội như một số biểu tượng ở các quốc gia trên thế giới. 

 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kiến trúc, văn hóa đã phản đối đặt bức tượng rùa vàng lớn vì sẽ ảnh hưởng cảnh quan khu vực Hồ Gươm. Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội cũng cho biết, Hà Nội đã có biểu tượng nhận diện là Khuê Văn Các và biểu tượng này đã được Quốc hội quy định trong Luật Thủ đô.

 

Đoàn Loan - VnExpress

Bình luận