Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Bé sơ sinh nhỏ bằng bàn tay bác sĩ vượt qua ca mổ tim cam go

Bé gái nặng 850 g bị dị tật tim nặng nên nếu kẹp - cắt - nối động mạch kéo dài khi mổ sẽ rất rủi ro, các bác sĩ Nhi đồng 1 phải cố hoàn tất chính xác từng mm phẫu thuật trong 21 phút. 

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh nhi nhập viện ngày 3/3 sau khi chào đời ở tuần thai thứ 31, cân nặng 900 g. Bé gái bị hẹp eo động mạch chủ, nếu không phẫu thuật sẽ có nguy cơ tử vong. Đây là bệnh nhi sinh non quá nhẹ cân lại suy hô hấp nên các bác sĩ phải cân nhắc nhiều cho ca mổ tim quá phức tạp.

 

Bé chỉ tương đương bàn tay bác sĩ. Ảnh: V.L

Bé chỉ nhỏ tương đương bàn tay bác sĩ. Ảnh: V.L

 

Ca phẫu thuật diễn ra hôm 23/3 khi bé 20 ngày tuổi và sụt cân còn 850 g. Trước khi các phẫu thuật viên rạch dao mổ, trọng trách đảm bảo an toàn cho bé đặt nặng lên vai các bác sĩ gây mê. Bác sĩ Hà Văn Lượng, Phó Khoa Gây mê Hồi sức cho biết trẻ sinh non nhẹ ký có đặc điểm sinh lý từ hệ hô hấp, thần kinh, nội tiết đều chưa hoàn chỉnh, việc gây mê phải vô cùng cẩn trọng.

 

"Sự sống của bệnh nhi phụ thuộc vào ống động mạch chủ, nếu gây mê nồng độ oxy quá cao sẽ ảnh hưởng mạng sống; còn đưa CO2 lên quá cao có thể gây cao áp phổi, bệnh nhi có thể tử vong ngay trên bàn mổ", bác sĩ Lượng chia sẻ. Bệnh nhi lại suy hô hấp, việc đặt catheter, chích động mạch dưới đùi và tay phải đều rất khó khăn. May mắn là các can thiệp này đều được hoàn tất trong vòng 30 phút.

 

Bác sĩ gây mê và phẫu thuật chính thăm bé sau ca phẫu thuật. Ảnh: T.P

Bác sĩ gây mê và phẫu thuật chính thăm bé sau ca phẫu thuật. Ảnh: T.P

 

Bác sĩ Nguyễn Kinh Bang, Phó Khoa Ngoại Tổng quát cho biết quan trọng nhất của cuộc phẫu thuật là thời gian kẹp - cắt - nối ống động mạch để bệnh nhi an toàn mạng sống, không xảy ra biến chứng. Trong 21 phút thao tác, các bác sĩ phải chạy đua với thời gian cùng yêu cầu "chính xác từng mm".

 

Theo bác sĩ Bang, ca mổ được lên phương án kỹ lưỡng, tính toán chi tiết, phối hợp nhịp nhàng. Chỉ cần một biến cố nhỏ có thể để lại hậu quả lớn, nếu mất máu chỉ chừng vài chục ml em bé sẽ khó giữ được mạng sống. Tổng lượng máu mất trong toàn cuộc phẫu thuật này chỉ 5-6 ml.

 

Bệnh nhi đang được theo dõi tích cực tại Khoa Hồi sức Sơ sinh. Ảnh: T.P

Bệnh nhi đang được theo dõi tích cực tại Khoa Hồi sức Sơ sinh. Ảnh: T.P

 

Quá trình hồi sức sau mổ của bệnh nhi phẫu thuật tim nhỏ nhất từ trước đến nay ở Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đòi hỏi muôn vàn thách thức. Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Hồi sức Sơ sinh cho biết với trẻ sinh non nhẹ cân thế này, việc chăm sóc sơ sinh đã vấn đề không đơn giản. Trẻ lại trải qua cuộc mổ lớn nên công việc hồi sức rất gian nan. Hiện bé được cai máy thở, các chỉ số sinh tồn, huyết động học ổn định, nuôi sữa qua ống sonde dạ dày.

 

Lê Phương - VnExpress

Bình luận