Học sinh Sài Gòn sợ bạo lực học đường 'kiểu mới'
Không chỉ là đánh nhau, bạo lực học đường còn diễn ra ở hình thức thóa mạ trên mạng xã hội, xúc phạm nhau ở lớp... gây ức chế tinh thần.
Ngày 28/3, đối thoại với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, Ngô Mỹ Uyên (THPT Phú Nhuận) nói rằng, dù nhà trường có nhiều biện pháp chống bạo lực học đường nhưng tình trạng này đang phổ biến bằng một hình thức khác tinh vi hơn.
Uyên cho biết, hiện có nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội thường "đánh hội đồng" một số cá nhân là học sinh, làm các em bị tổn thương nặng nề về tinh thần. Hay sau vụ nữ sinh bị sát hại bỏ xác trong thùng xốp tại chung cư ở Gò Vấp, trên mạng xuất hiện trào lưu "hỏi thăm" nhau: "Muốn vào thùng xốp không?". Điều này khiến người bị hỏi cảm thấy rất sợ hãi.
"Nhiều người thực sự vô cảm trên mạng xã hội. Họ đùa giỡn hoặc cố ý đe dọa người khác, làm nhiều học sinh chúng em ức chế, lo lắng", Uyên nói và khẳng định đây là một hành vi bạo lực tinh thần, đề nghị ngành giáo dục có biện pháp ngăn chặn.
|
Trần Đặng Mai Anh (học sinh THPT Lam Sơn) cho rằng môn giáo dục công dân đang được đầu tư chưa đúng cách. Ảnh: Mạnh Tùng.
|
Kim Thư (học sinh THPT Võ Thị Sáu) chia sẻ chuyện một bạn nữ trong lớp mua giày hàng nhái, do hoàn cảnh gia đình không khá giả, trong khi đa số các bạn mang hàng hiệu.
"Chuyện tưởng chừng là nhỏ nhưng nhiều bạn lại châm chọc, mỉa mai khiến bạn nữ kia bị tổn thương, phải xin chuyển trường. Lẽ ra học sinh phải yêu thương, cảm thông cho nhau, sao lại đi soi xét, xúc phạm bạn bè như vậy?", Thư nói, giọng bức xúc.
Trong khi đó, nữ sinh đến từ THPT Lam Sơn, Trần Đặng Mai Anh, lý giải việc học sinh ngày càng vi phạm pháp luật, suy giảm đạo đức là do môn Giáo dục công dân chưa được đầu tư đúng cách. Cô cho rằng, phần lớn kiến thức môn học này ở bậc THPT chưa thiết thực, "có phần cao siêu" còn kiến thức ứng xử học đường lại rất ít.
Ở góc nhìn khác, Võ Trâm Anh (học sinh THPT Nguyễn Thượng Hiền) nói rằng, sau mỗi vụ bạo lực học đường, nhiều thầy cô thường đưa ra biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mà quên đi việc tìm hiểu tâm tư, tình cảm của học sinh vi phạm. "Thầy cô nên xử lý sao cho học sinh nhận ra lỗi lầm của mình chứ đừng hướng tới việc kỷ luật, đuổi học", nữ sinh đề xuất.
|
Võ Trâm Anh (THPT Nguyễn Thượng Hiền) muốn thầy, cô tìm hiểu tâm tư của những bạn vi phạm trong các vụ bạo lực học đường. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục TP HCM, nhìn nhận mạng xã hội là vấn đề "nóng" ở học đường khi nơi này chứa đựng nhiều nội dung tốt - xấu lẫn lộn. Ông đề nghị các trường tổ chức chuyên đề cho học sinh biết cách sử dụng mạng xã hội.
"Thầy cô phải quan tâm đến học sinh ở nội dung này, phát hiện kịp thời những nội dung tiêu cực để giải thích, uốn nắn các em kịp thời. Chính bản thân học sinh cũng cần học cách chọn lọc thông tin, hình ảnh một cách tích cực, biết phản bác cái sai trái, xấu xa", ông Sơn nói.
Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo Sở Giáo dục TP HCM và học sinh thành phố được tổ chức hằng năm - tạo diễn đàn để ngành giáo dục lắng nghe tâm tư của học sinh.
Mạnh Tùng - VnExpress