Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Bộ trưởng Tài chính: 'Chi tiêu như thế thì chỉ có chết'

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài Chính, cho rằng việc nợ công tăng nhanh là do làm ra ít nhưng chi tiêu nhiều.

Sáng 20/3, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay đa số ý kiến có chung quan điểm không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, doanh nghiệp nhà nước nợ tự vay tự trả.

 

Theo đó, trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.

 

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng nếu quy định doanh nghiệp nhà nước đi vay không phải là nợ công thì cần phải lý giải kỹ.

 

“Tôi xin hỏi Vinashin, Vinalines khi phá sản thì ai trả nợ, chắc là Chính phủ trả đấy chứ. Chúng ta phải định nghĩa rõ khu vực công”, ông Bình nêu.

 

Bộ trưởng Tài chính: 'Chi tiêu như thế thì chỉ có chết'

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng làm rõ các câu hỏi của đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

 

Lý giải việc này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: “Luật sửa đổi lần này quan điểm là các khoản Chính phủ vay về cho vay lại, Chính phủ bảo lãnh thì mới tính vào nợ công, còn lại doanh nghiệp tự vay tự trả, nếu vay không trả được thì cho phá sản”.

 

Trước câu hỏi của các đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Đinh Tiến Dũng nhận định nợ công tăng nhanh là do mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2011-2015 không đạt được, trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

 

Theo ông Dũng, mức bội chi trong giai đoạn 2011-2015 rất cao, tổng vay nợ khoảng 1,4 triệu tỷ đồng.

 

“Bội chi như vậy thì nợ công tăng cao là đúng. Việc huy động vốn thời hạn vay rất ngắn, lãi suất cao, có những khoản lãi suất tới 11-13%/năm, Bộ Tài chính vừa phải cơ cấu lại các khoản nợ để đảm bảo an toàn”, Bộ trưởng Tài chính nói.

 

Ngoài ra, ông Đinh Tiến Dũng cũng cho hay việc giải ngân ODA năm nào cũng vượt mức kế hoạch, phân bổ có 17.000-18.000 tỷ đồng mà giải ngân 50.000-60.000 tỷ đồng nên dẫn đến nợ công tăng cao.

 

“Chúng ta chi tiêu phải trong khả năng trả nợ, khả năng của nền kinh tế, chứ làm ra có thế mà chi tiêu như thế thì chỉ có chết. Dự báo tăng trưởng kinh tế suốt mấy năm nay đều sai. Năm 2016 dự báo giá trị thực tế GDP là 5,1 triệu tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ được 4,6 triệu tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

 

Nguồn: Tin Tức Việt Nam (tintuc.vn)

Bình luận