Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Vú sữa Lò Rèn mất mùa, rớt giá còn 5.000 đồng một kg

Nông dân trồng vú sữa ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) đang lao đao vì giá nhiều loại giảm hơn một nửa so với năm trước, chỉ còn 5.000 đến 6.000 đồng một kg.

Ông Lê Văn Sơn, thương lái chuyên thu mua trái cây ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) cho biết, giá vú sữa Lò Rèn đang xuống thấp kỷ lục trong nhiều tuần liên tiếp. Hiện giá mua tại vườn đối với loại đặc biệt (4 trái một kg) dao động khoảng 32.000 đến 35.000 đồng, thấp hơn gần 10.000 đồng so với năm trước. Tuy nhiên, số lượng trái đạt chuẩn này chỉ khoảng 10% tổng sản lượng.

 

“Thê thảm nhất là loại kích thước nhỏ khoảng 10 trái một kg, tuy màu sắc và độ chín cũng đồng đều nhưng giá chỉ 5.000 đến 6.000 đồng, chưa bằng một nửa so với năm ngoái. Trái cỡ này chiếm tỷ lệ rất lớn, nhưng do thị trường không chuộng nên tôi cũng hạn chế gom hàng", ông Sơn nói và nhận định nghịch lý mùa vú sữa năm nay là sản lượng và giá thu mua đồng loạt giảm mạnh, không xuất hiện tình trạng mất mùa được giá như trước đây.

 

Theo một số nhà vườn chuyên canh vú sữa tại xã Vĩnh Kim, ước tính sản lượng giảm hơn 80% nhưng không có hiện tượng thương lái tranh nhau mua. Vú sữa giá từ 5.000 đến 21.000 đồng một kg chủ yếu tiêu thụ tại thị trường TP HCM, còn loại chất lượng nhất có chỉ dẫn địa lý được đóng gói vận chuyển ra miền Bắc.

 

vu-sua-lo-ren-mat-mua-rot-gia-con-5000-dong-mot-kg

Thương hiệu vú sữa nổi tiếng Lò Rèn gặp khó vì mất mùa lẫn rớt giá.

 

Để vớt vát tiền công chăm sóc, không ít nông dân nhờ người quen hoặc tự rao bán trên mạng. Ông Danh (ngụ huyện Châu Thành) cho biết, sản lượng năm ngoái dao động khoảng 16 tấn nhưng năm nay dự đoán chỉ còn 6 tấn, tương đương chưa đến 200kg cho mỗi gốc. Do chưa từng bán hàng trực tuyến nên ông nhờ một người thân ở TP HCM tìm khách hàng và làm trung gian vận chuyển, thanh toán.

 

“Trung bình mỗi ngày bán như thế cũng tiêu thụ thêm vài trăm kg, ít nhiều bù được chi phí thuê nhân công thu hoạch chiếm hơn phân nửa. Vườn của tôi 200 gốc vú sữa khoảng 12 năm tuổi mà thiệt hại trăm triệu là còn may mắn, nhiều hộ xung quanh đây gần như mất trắng”, ông Danh chia sẻ.  

 

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cho rằng nguồn nước nhiễm phèn đổ về ngày càng nhiều, trong khi lượng phù sa từ kênh rạch xung quanh giảm nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất mùa. Bên cạnh đó, việc nông dân trồng cây mới trên những diện tích đất được cải tạo thay cho cây chết cũng không hiệu quả, giảm khả năng đề kháng và sinh trưởng cành lá.

 

Theo ông Ngàn, thời tiết thay đổi thất thường cũng ảnh hưởng đến thời gian thu hoạch và kích thước trái, điển hình như việc vài cơn mưa trái mùa gần ngày thu hoạch làm vú sữa bị nứt, thối rất nhiều. Dự kiến mùa thu hoạch năm nay sẽ kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch, tức trễ hơn 2 tháng so với những năm điều kiện thuận lợi.

 

“Hợp tác xã có 174 ha chuyên canh vú sữa. Trong đó, khoảng 55 ha đạt chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Anh, Canada, Hà Lan và từng có thời điểm lượng hàng không đủ cung ứng. Nhưng vài năm gần đây thì chất lượng giảm hẳn và quy cách bảo quản cũng không đáp ứng các tiêu chuẩn này nên đơn hàng bị từ chối hàng loạt, nông dân lại loay hoay với thị trường nội địa”, ông Ngàn cho biết.

 

Phương Đông - VnExpress

Bình luận