Nhiều em bé Hà Nội bị ho gà biến chứng nặng
Từ đầu đến nay Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận 50 trẻ mắc ho gà tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, một số bé rất nặng phải thở máy, có cháu tử vong.
Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho một trẻ bị ho gà trong tình trạng rất nặng phải lọc máu và sử dụng kỹ thuật ecmo - trao đổi ôxy qua màng ngoài cơ thể. Kỹ thuật này được xem là cách tốt nhất điều trị bệnh ho gà nặng hiện nay. Sau 6 ngày được hỗ trợ ecmo, hiện tình trạng bệnh của trẻ cải thiện rõ rệt, tự thở, tình trạng nhiễm khuẩn giảm dần. Trước đó, trẻ nhập viện với các biểu hiện khó thở, rút lõm lồng ngực, ho thành cơn sặc sụa, tím tái trong cơn ho...
Theo Phó giáo sư Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây số bệnh nhân bị ho gà vào viện gia tăng. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 50 trẻ ho gà, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 12 ca. Một số trẻ rất nặng phải thở máy, ghi nhận cả ca tử vong. Hầu hết trẻ đều chưa tiêm văcxin hoặc tiêm chưa đủ liều. Trong đó có nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi- trước thời điểm tiêm mũi 1.
|
Khi trẻ bị ho, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 6 tháng, cha mẹ cần đưa con đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh.
|
Theo Bộ Y tế, những tháng đầu năm ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc ho gà tại một số tỉnh, thành phố so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Bắc. Chiều 6/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành rà soát việc tiêm phòng văcxin ho gà đối với trẻ nhỏ.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương thực hiện tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm văcxin này. Bên cạnh đó, giám sát chủ động, xét nghiệm, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời không để dịch bùng phát.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp, diễn biến bệnh có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, cha mẹ cần đưa con đi khám khi thấy bé bị ho để được chẩn đoán đúng. Đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ 1 đến 3 tháng tuổi vì dễ gây biến chứng nặng.
Khởi đầu của bệnh, trẻ có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ gây tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm văcxin phòng bệnh ho gà (văcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP hoặc văcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đủ liều, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly, đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lịch tiêm chủng văcxin DTP hoặc Quinvaxem: Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất một tháng; mũi thứ 3 sau mũi thứ hai một tháng; mũi thứ 4 khi trẻ 18 tháng tuổi.
Phương Trang - VnExpress