Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Cô bé bán chanh thành 'bà trùm' nồi cơm điện

Sau gần 20 năm lập nghiệp với ngành điện gia dụng, từ nhà xưởng xập xệ 300m2 cùng 10 công nhân, đến nay bà chủ thương hiệu nồi cơm điện Kim Cương đã có trong tay 2 nhà máy cho doanh số gần 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Xuất thân từ gia đình làm nông, có 8 anh chị em tại tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc Vĩnh Phúc), như bao gia đình khác, Khổng Thị Minh đã sớm ra đồng làm lụng tích điểm để đủ tem phiếu đổi gạo.

 

Dù nghèo khó, nhưng "máu" kinh doanh đã gắn với Minh từ nhỏ. Hồi học lớp 5, nhà có trồng chanh, người đi buôn từ Vĩnh Yên - Hà Nội xuống mua ùn ùn, nghe nói bán lãi cao. Vậy là Minh nói với bố không bán chanh cho họ nữa, rồi táo bạo đề nghị: "Bố bán thiếu cho con đi, bố bán cho người ta bao nhiêu, con trả cho bố bấy nhiêu”.

 

Nói là làm. Minh quẩy hai giỏ chanh sau lưng, đội nắng đi bộ 30 km từ nhà để đón tàu chợ ra Hà Nội trong 3 giờ đồng hồ. Nhưng trong lần đầu vì chưa có kinh nghiệm, Minh đổ hết chanh ra rổ, vậy là người mua qua lại cứ tiện tay bốc lấy mà không kiểm soát được, nên kết quả là lỗ.

 

Sợ bố la rầy, hơn nữa nếu nói ra bố sẽ không cho đi buôn nữa, cô bé mới hơn 10 tuổi đành mượn bạn, và đập ống heo trả tiền cho bố. Rút kinh nghiệm lần thứ hai, Minh đổ chanh từ từ ra rổ, cứ hết mớ này mới đổ mớ tiếp theo, và rồi cũng có lãi.

 

“Nhà nghèo quá, học xong lớp 7 bố nói nghỉ học, vì cho rằng con gái học cao khó lấy chồng, nên buông sách vở là tôi ra đồng, xỏ đôi quang gánh”, Minh nhớ lại và cho biết thường trực trước những nhà có điều kiện, chờ họ gọi đi gánh nước đổi lấy bát cơm, hay củ khoai.

 

"Ở huyện có 38 xã, thì hết 38 xã có dấu chân của mình đến làm mướn. Người ta con gái đến 15 tuổi là tính chuyện có chồng, còn tôi không có khái niệm đó”, Minh kể.

 

Và rồi bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cuộc sống của cô thôn nữ khi người chú ruột báo với gia đình có suất học công an. Minh xin và bố chấp thuận ngay. 6 tháng thử thách, bổ túc văn hoá, nghiệp vụ, Minh được chọn. Năm 1978, cô khăn gói vào TP HCM, làm ở ban hậu cần, 5 năm sau thì lập gia đình cùng người bạn trong cơ quan.

 

co-be-ban-chanh-thanh-ba-trum-noi-com-dien

Bà Minh hiện sở hữu 2 nhà máy sản xuất hàng điện gia dụng cho doanh thu mỗi năm trên 800 tỷ đồng.

 

Là cán bộ hậu cần có uy tín, nhưng cô cán bộ trẻ vẫn cảm thấy cuộc sống cần thêm thay đổi, hơn nữa lương bổng hai vợ chồng cộng lại khi đó chỉ vừa đủ sinh hoạt. Tranh thủ mỗi năm có một tháng nghỉ phép, Minh thử kinh doanh. Cô mạnh dạn vay của người bạn 2 triệu đồng để kinh doanh máy bơm nước.

 

"Ngay lần đầu tiên tôi đã lãi 2 triệu đồng vì thời đó loại hàng này nhu cầu cao, lãi mỗi cái 500.000 đồng, trong khi vàng chỉ hơn 200.000 đồng một chỉ", Minh hào hứng kể và cho biết thêm tranh thủ buổi chiều đi làm về lại đạp xe ra Chợ Lớn lấy vải gửi ra ngoài bắc kiếm lãi.

 

Kinh doanh tốt, với khả năng nhạy bén với thị trường, năm 1994 Minh xin nghỉ việc và quyết làm ăn riêng. Thời điểm những năm cuối thập niên 1980, đầu 1990 là buổi giao thoa giữa bao cấp và nền kinh tế mới, hàng điện gia dụng trôi nổi, nhất là hàng Trung Quốc thống lĩnh thị trường Việt Nam. Khi đó, Minh đã chính thức bước vào thương trường, miệt mài đánh hàng từ Lạng Sơn, Móng Cái... vào Nam. Theo đó, tiền lãi cũng rất khủng.

 

Công việc kinh doanh ngày càng khấm khá, Minh quyết định gom hết tiền để kinh doanh bất động sản, nhưng bị lừa mua đất dự án nên trắng tay. Vậy là quay về nghề cũ, mở cửa hàng nho nhỏ kinh doanh ống nước, máy bơm, hàng gia dụng, rồi cũng lại tích góp được một số tiền. Nhưng lúc này, Minh có trăn trở là người Việt cứ đua nhau mua hàng Trung Quốc, nhất là mặt hàng nồi cơm điện rất ưa chuộng bấy giờ, trong khi không thấy thương hiệu Việt nào.

 

Đầu năm 1998, Minh mua nồi cơm điện về, với hai chiếc tuốc vít, cô bắt đầu mổ xẻ, nghiên cứu, để rồi một năm sau đã nắm vững quy trình và nguyên lý cho ra một cái nồi hoàn hảo.

 

"Nhìn một cái nồi có vẻ đơn giản, nhưng để làm ra phải qua nhiều công đoạn, phải mua khuôn, lồng… tới 42 chi tiết. Công trình đầu tay ngốn hết 2 tỷ đồng tiền tôi vay mượn”, Minh kể và cho hay một năm sau lập ra Công ty cơ điện Minh Khoa để thỏa niềm mơ ước về một chiếc nồi "đầy màu sắc hoa văn" do người Việt sản xuất, lấy thương hiệu Kim Cương.

 

Ban đầu, bà chủ trẻ thuê một nhà xưởng rộng 300m2, có 10 nhân công, sản lượng khiêm tốn mỗi ngày chỉ 30 chiếc. Thế nhưng, theo bà "người ta sản xuất ra để bán nhưng tôi sản xuất ra để... ngắm. Ngày nào tôi cũng ôm lấy cái nồi, lau lau chùi chùi, mân mê nó như đứa con của mình. Thế nên, sau ba tháng tôi mới chịu bung sản phẩm ra thị trường”. Bà Minh cho hay lô hàng đầu tiên đến từ một khách hàng ở Cần Thơ đặt chỉ có 12 cái. Khách mua về bán thấy rẻ, đẹp, vậy là lần thứ 2 đặt 100, thứ 3 tăng 300… rồi đến lúc không kịp hàng để bán.

 

“Thế nhưng đường đời mấy khi suôn sẻ, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh mang tính cạnh tranh cao này. Mình làm ra được hàng có nhãn mác hẳn hoi, bảo hành trọn gói, bán chạy, trong khi thị trường toàn hàng Trung Quốc không nhãn mác, vậy mà tôi bị  đối thủ chơi xấu, tung tin hàng giả, hàng nhái, làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu. Thậm chí, chỉ sau 2 tháng tung hàng ra thị trường, Quản lý thị trường chia thành hai đội ập xuống công ty và điểm bán hàng. Họ làm dữ lắm, hoạnh họe đủ kiểu, nhốt công nhân lại, đến khi tôi chứng minh có giấy tờ hợp lệ họ mới xin lỗi và nói trinh sát báo cáo sai”, bà Minh bộc bạch.

 

Được thị trường đón nhận tích cực, từ năm 2004 đến nay bà Khổng Thị Minh mạnh dạn đầu tư 2 nhà máy trị giá gần 1.000 tỷ đồng tại Củ Chi. Từ việc chỉ sản xuất chiếc nồi cơm điện, Công ty Minh Khoa đã đa dạng sản phẩm từ quạt, bếp đun, đến bếp từ… với gần 140 mặt hàng. “Tôi tự tin là doanh nghiệp Việt nội địa hóa từ 80 đến 90%. Với tôi, cứ nhiều người cạnh tranh thì tôi càng thích, vì lợi thế nội địa hóa gần như hoàn toàn nên không sợ gì cả. Đầu tư máy móc ngành này lớn, nhưng lợi nhuận không cao, từ 5 đến 10% thôi. Có cái chỉ lãi khoảng 3%, nhưng mức tăng trưởng đều đặn 20-25% cho mình sự lạc quan. Quan niệm của tôi là lợi nhuận ít, quan trọng là mình làm để nhiều người có công việc", bà Minh bộc bạch và cho hay chủ trương nhắm vào phân khúc bình dân ngay từ lúc đầu. Giá sản phẩm bình quân chỉ hơn 200.000 đồng, sản phẩm tốt nhất cũng  chưa tới 1 triệu đồng, nên nồi cơm điện của bà hiện chiếm thị phần lớn cả nước.

 

"Sản phẩm của tôi chủ yếu chiếm lĩnh vùng nông thôn, chưa xuất hiện ở các trung tâm điện máy thành phố lớn do khả năng thu hồi vốn chậm. Tại các trung tâm điện máy, thường công nợ rất lớn và lâu, dòng vốn để lưu thông chậm, dễ mất cơ hội đầu tư mua bán, trong khi nhân sự của mình còn mỏng chưa kham nổi”, bà Minh nói, đồng thời chia sẻ từ lúc thành lập công ty đến nay, bà vẫn gần như kham mọi khâu, từ kinh doanh đến marketing, nhưng các khách hàng vẫn tự tìm đến, nên bộ máy phòng ban rất gọn nhẹ, chỉ vài người.

 

Có một thói quen người ngoài ít biết là cho đến tận bây giờ, bà Minh vẫn thường thức dậy mỗi sáng từ lúc 5h, trực tiếp đi chợ, chăm chút chuyện nấu nướng và từng bữa ăn cho hơn 300 cán bộ công nhân viên của mình. Bà còn xây  nhà trọ miễn phí cho công nhân ở.

 

“Ngay từ nhỏ đã thiếu thốn mọi bề, cứ 12 giờ đêm bố lại thức dậy nấu cơm, bỏ vào mo cau cho các anh chị em lên rừng đốn củi, đem chợ bán đổi lấy tiền mua gạo, nên với tôi không thể nào quên được. Do đó, với công nhân của mình, tôi cũng muốn được tự tay chăm sóc họ”, bà Minh kể và cho hay thường xuyên nói với hai người con của mình, "công nhân là tài sản lớn nhất của mẹ, nhờ có công nhân chiến đấu cùng thì mẹ mới có được thành quả ngày hôm nay. Dù mẹ có mất đi thì sự nghiệp của các con vẫn phải lấy người công nhân làm gốc, hãy yêu thương họ bằng tấm chân tình giữa người làm với người làm, chứ đừng phân biệt chủ hay tớ”.

 

Ở độ tuổi gần 60, doanh số công ty không ngừng tăng, đạt khoảng 850 tỷ đồng một năm, bà Minh cho biết đang hình thành các ban bệ điều hành được đào tạo bài bản hơn, giúp bà thực hiện mong muốn mở rộng một số nhà máy nữa để người dân có thêm việc làm.

 

Song Thương - VnExpress

Bình luận