Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Đại gia ngoại phủ bóng thị trường chiếu phim Việt

5 doanh nghiệp dẫn đầu đang nắm 98% thị trường chiếu phim Việt Nam, trong đó 3 tên tuổi lớn nhất đều nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Quyết định tự do hóa ngành công nghiệp điện ảnh - chiếu bóng năm 1995 đã mở ra một giai đoạn mới cho các rạp phim tại Việt Nam. Sau nhiều thập kỷ hoàn toàn được kiểm soát bởi các doanh nghiệp Nhà nước, thị trường này chứng kiến sự thâm nhập ở quy mô lớn của các tên tuổi ngoại (nhất là từ Hàn Quốc), làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi.

 

Số liệu 2016 của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu chiếu phim CGV) ghi nhận kết quả khả quan sau vài năm thâu tóm tên tuổi trước đó là Megastar và phát triển thành chuỗi rạp lớn nhất nước. Chiếm hơn 40% thị phần ngành, công ty con của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã đạt hơn 1.823 tỷ đồng tổng doanh thu năm 2016, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hơn 93 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2015. Hệ thống này hiện có 38 cụm rạp ở Việt Nam với 247 phòng chiếu, tăng trưởng khoảng 20% so với cuối năm 2015.

 

Nếu như ở Hàn Quốc, đối thủ lớn nhất của CJ CGV trong ngành điện ảnh là Lotte Cinema thì điều này cũng đang diễn ra tương tự tại Việt Nam, khi Lotte Cinema là đơn vị chiếm thị phần lớn thứ hai với hơn 30%.

 

Sở hữu 29 cụm rạp khắp cả nước, Lotte Cinema ghi nhận tốc độ tăng trưởng về hoạt động kinh doanh, thậm chí còn cao hơn nhiều so với CJ CGV tại thị trường Việt Nam. Số liệu được công bố trên tờ Korean Economic Daily cho biết, doanh thu và lợi nhuận của Lotte Cinema tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt mức tăng lần lượt 29,9% và 87,6% so với cùng kỳ.

 

Số liệu được công bố trước đó của Lotte Shopping - công ty mẹ của Lotte Cinema, hoạt động tại thị trường Việt Nam của đơn vị này đạt mức tăng 16% trong năm 2015, với tổng doanh thu 45,1 tỷ won (KRM), tương đương hơn 900 tỷ đồng.

 

Một báo cáo phân tích được Công ty chứng khoán KDB Daewoo của Hàn Quốc cho biết, thị trường chiếu phim Việt Nam được chi phối bởi 5 đơn vị chính, chiếm tổng thị phần 98%, bao gồm CJ CGV (43%), Lotte (30%), Platinum (10%), Galaxy (9%) và BHD (6%).

 

Mặc dù vậy, thị phần này thời gian tới có thể sẽ có xáo trộn khi Platium Cineplex phải đóng cửa 3 trên 5 cụm rạp từ cuối tháng 2 do mâu thuẫn với đối tác cung cấp mặt bằng. Với việc đóng cửa 80% quy mô hoạt động hiện tại, thị phần 10% của Platium Cineplex có thể giảm đi đáng kể.

 

dai-gia-ngoai-phu-bong-thi-truong-chieu-phim-viet

Hai doanh nghiệp đứng đầu ngành công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc là CJ CGV và Lotte Cinema đang giữ trên 70% thị phần chiếu phim tại Việt Nam.

Gia nhập thị trường Việt Nam đầu tiên. Năm 2008, Lotte Cinema đã mua lại cổ phần trong Công ty Diamond Cinema (DMC) - liên doanh giữa Công ty Fellas (Hàn Quốc) và Fafilm Việt Nam. Năm 2011, tập đoàn đến từ Hàn Quốc - CJ CGV mới xuất hiện bằng cách thức tương tự. Đơn vị này đã bỏ ra 73,6 triệu USD mua lại 80% cổ phần Megastar, chủ sở hữu hệ thống rạp phim lớn nhất tại Việt Nam với thị phần khoảng 60% thời điểm đó và đổi tên thành CGV.

 

Một nhà đầu tư khác đến từ Indonesia là Platinum Cineplex cũng khai trương rạp chiếu ở Nha Trang, Hà Nội trong năm 2013. Sau hơn 4 năm gia nhập, đến nay Platium Cineplex có 5 cụm rạp, con số thấp nhất trong số 5 doanh nghiệp đừng đầu ngành công nghiệp điện ảnh. 

 

Hai cái tên "nội" trong cuộc chạy đua thị phần ngành công nghiệp điện ảnh là BHD Star Cineplex (thuộc Công ty TNHH Bình Hạnh Đan - BHD) và Galaxy Cinema (thương hiệu thuộc Công ty cổ phần Phim Thiên Ngân). Tuy nhiên, hiện tại cả hai đơn vị này mới sở hữu cho mỗi bên 7 cụm rạp với thị phần dưới 10%.

 

Thực tế, để chiếm thị phần gần như tuyệt đối tại thị trường Việt Nam, CJ CGV Việt Nam và Lotte Cinema đã "chơi lớn" ngay thời điểm gia nhập thị trường khi liên tục rót tiền để mở rộng quy mô số lượng cụm rạp.

 

Tae-Sung Jung, người đứng đầu bộ phận phim tại CJ E&M, một doanh nghiệp "chị em" của CJ CGV đã nhận định, tập đoàn Hàn Quốc này đang nhắm mục tiêu vào khu vực Đông Nam Á vì mức lợi nhuận hứa hẹn trong tương lai, và Việt Nam được coi là "vùng lõi" của tập đoàn.

 

Ông Dong Won Kwak - Giám đốc chiến lược toàn cầu của CJ-CGV cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng “Việt Nam được xem là thị trường quan trọng của CJ-CGV. Chúng tôi muốn Việt Nam trở thành trung tâm của tập đoàn tại Đông Nam Á.

 

Theo một số chuyên gia trong ngành, chi phí đầu tư cho một phòng chiếu tiêu chuẩn khoảng 2-12 tỷ đồng, thậm chí còn có thể lên tới cả triệu USD nếu đầu tư phòng chiếu công nghệ mới như 4D, IMAX, Starium hay những phòng chất lượng cao như Gold Class.

 

Với một cụm rạp khoảng 5 phòng chiếu, tổng chi phí đầu tư có thể lên tới vài triệu USD. Đây cũng từng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của CJ CGV Việt Nam liên tục sụt giảm kể từ khi thâu tóm Megastar trong nhiều năm liên tiếp.

 

Mặc dù vậy, đặt trọng tâm vào Việt Nam đối với hai doanh nghiệp chi phối ngành công nghiệp điện ảnh của Hàn Quốc không phải không có căn cứ khi thị trường tại đây đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao vượt trội so với nhiều quốc gia khác.

 

Nhu cầu tới rạp xem phim của khán giả, trong đó hầu hết tại các đô thị lớn, đang ngày càng tăng. Điều đó cũng được thể hiện rõ qua doanh thu rạp chiếu và số tiền mà mỗi khách hàng bỏ ra với các tiện ích đi kèm cũng ngày càng lớn. 

 

Thống kê của CJ CGV và Lotte Cinema cho biết, số tiền trung bình một khách hàng Việt Nam bỏ ra cho mỗi lần đến rạp khoảng 4.500 won (tương đương 4,04 USD), mặc dù vẫn thấp hơn so với Hàn Quốc (6,29 USD) nhưng tốc độ tăng trưởng đã vượt xa thị trường này.

 

Sự vươn lên của những doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam cũng liên quan đến thị hiếu của người tiêu dùng, khi những phim "bom tấn" nước ngoài có sức hút đặc biệt lớn với bộ phận giới trẻ, những người mang lại doanh thu lớn nhất cho các rạp chiếu phim. Những bộ phim này cũng mang lại khoản lợi nhuận kếch xù vượt xa dòng phim nội.

 

Nhờ sự hậu thuận từ công ty mẹ, CJ CGV Việt Nam cũng là đơn vị đứng đầu về đại lý phát hành cho các studio tại Mỹ như UPI, Pixar, Disney hay Warner Bros, ngoài ra cũng được hai hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam. 

 

"Để Mai Tính", một trong những bộ phim hiếm hoi càn quyết các rạp chiếu phim cuối năm 2014 cũng chỉ đạt mức doanh số 268.000 USD trong ngày đầu công chiếu và 3,85 triệu USD sau 3 tuần. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất khiêm tốn khi so sánh với một số "bom tấn" của Hollywood khi được trình chiếu lần đầu tại Việt Nam như "The Amazing Spider-Man 2" đạt 1,3 triệu USD hay tập phim mới nhất trong series "Fast and the Furious" với doanh số 6,5 triệu USD, theo số liệu từ Nikkei Asian Review.

 

Giữa năm 2016, cũng chính bởi việc chi phối và độc quyền nhiều phim "bom tấn", 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước đã cùng gửi đơn khiếu nại đến Hội điện ảnh, khẳng định đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.

 

Đáp lại những phản ứng này, CGV cho rằng tỷ lệ này phụ thuộc vào chất lượng phim, số lượng rạp và số lượng phòng chiếu của đơn vị phát hành mà CGV và bên liên quan cùng nhau xây dựng và thống nhất áp dụng với từng đơn vị phát hành. 

 

Cũng bởi không tìm được tiếng nói chung trong đàm phán, "Tấm Cám: Chuyện chưa kể", một trong những bộ phim được kỳ vọng cao của điện ảnh Việt đã không xuất hiện tại hệ thống cụm rạp lớn nhất cả nước - CJ CGV Việt Nam khi công chiếu lần đầu vào tháng 8/2016.

 

Minh Sơn - VnExpress

Bình luận