Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Facebook chi phối bóng đá Việt như thế nào?

Nhìn vào những án phạt VFF liên tiếp đưa ra (hoặc sửa đổi) thời gian gần đây, có thể thấy rõ sự chi phối từ dư luận, mà điển hình là Facebook đang đóng vai kẻ dẫn đường.

Lẽ ra, vụ Hoàng Vũ Samson “tấn công” cầu thủ trẻ Châu Ngọc Quang của HAGL đã có thể… chìm xuồng theo đúng ý của VFF và VPF, nếu nó không vấp phải sự phản đối dữ dội từ dư luận và đặc biệt là từ trang cá nhân của một nhà báo nổi tiếng trong làng thể thao.

 

Trên facebook của mình, nhà báo ấy đã liên tục đưa ra nhiều luận điểm, tham khảo nhiều ý kiến của người có chuyên môn, và đỉnh điểm là gửi thư ngỏ đến những lãnh đạo cấp cao của ngành, khẩn thiết yêu cầu xem lại tính chính xác và minh bạch trong quyết định xử Samson “trắng án”.

 

Bóng đá Việt và sự chi phối từ Facebook

Nếu không có Facebook, chưa chắc Samson đã phải làm khán giả ở 2 vòng đấu vừa rồi của Hà Nội. Ảnh: Quốc Bảo.

 

Trước sức ép mạnh mẽ đó, Ban kỷ luật VFF buộc phải “chữa” bằng cách phạt nguội Samson 2 trận. Dù vẫn chỉ là cách giải quyết mang tính đối phó, nhưng rõ ràng việc sửa sai muộn màng và bất đắc dĩ chẳng khác gì thừa nhận quyết định đưa ra ban đầu là trắng trợn và lấp liếm.

 

Song song với án phạt Samson, Ban khiếu nại VFF cũng giảm án 2 trận treo giò cho Omar (Thanh Hóa). Quyết định này bị cho là hệ quả của việc VFF và cả VPF “chùn tay” trước phản ứng của đội bóng xứ Thanh, đồng thời tự cảm thấy… khó trôi nếu đặt hai vụ việc Samson và Omar cạnh nhau.

 

Điều đó chứng tỏ VFF và VPF vẫn còn biết - hoặc bị đẩy vào thế không thể không lắng nghe dư luận. Tuy nhiên, đáng ngại là hơn cả lắng nghe, các tổ chức này dường như đang bị dư luận “xỏ mũi”.

 

Mới đây nhất, ở trận đấu sớm của vòng 6, trọng tài Hiền Triết thổi phạt đền cho Hà Nội trong một tình huống khiến cầu thủ và cổ động viên Hải Phòng nổi cơn thịnh nộ. Cư dân mạng lập tức hình thành 2 quan điểm: ủng hộ và phản đối quyết định này.

 

Điều đó khiến nội bộ Ban trọng tài cũng nảy sinh hoang mang: ông Triết đúng hay sai, và liệu có cần thiết lại mổ xẻ thêm một trọng tài nữa để chiều lòng dư luận?

 

Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi rõ là không muốn, vì cứ đà này thì… hết người cầm còi (trước đó, trọng tài Nguyễn Đức Vũ, rồi Nguyễn Trung Kiên B đã bị đình chỉ), nhưng bản thân ông Mùi cũng không dám tin vào năng lực cấp dưới của mình (ông Triết vừa dính “phốt” bù giờ 2 lần dẫn đến tình huống Long An bị Bình Dương gỡ hòa, còn năm ngoái không công nhận bàn thắng hợp lệ cho Hà Nội T&T).

 

Bóng đá Việt và sự chi phối từ Facebook

Trọng tài Hiền Triết gây tranh cãi vì quyết định thổi phạt đền trên sân Lạch Tray. Ảnh: Tùng Lê.

 

Chuyện của ông Triết xảy ra đúng lúc dư luận vẫn còn chưa hết lùm xùm về màn đấu khẩu giữa Công Vinh với giám sát Đoàn Phú Tấn xung quanh tình huống phạm lỗi của Quốc Phương (Thanh Hóa) với Văn Hoàn (CLB TPHCM). Quốc Phương đã ngay lập tức bị treo giò 2 trận, nhưng xử lý một ông quyền chủ tịch hay giám sát thì lại không hề đơn giản.

 

Rắc rối là mấu chốt của cuộc đấu khẩu lại đến từ… Facebook của ông Đoàn Phú Tấn. Mọi thứ sẽ êm thấm hơn nhiều nếu ông Tấn chẳng “chơi phây”. Nhưng những tâm sự cá nhân của ông lại động chạm đến Công Vinh, khiến chuyện lời nói gió bay bị đẩy đến chỗ cấu thành văn bản khiếu nại.

 

Là một người lắm chiêu, Công Vinh thừa tinh quái để hiểu rằng Facebook đang có sức mạnh như thế nào trong xã hội. Cả một quá trình chơi bóng đến khi lên nắm quyền chủ tịch CLB TPHCM, Công Vinh và vợ luôn biết tận dụng cộng đồng mạng để gây thanh thế. Bởi vậy, việc anh tạo tiếng ồn với ông giáo già họ Đoàn hẳn cũng không nằm ngoài mục đích khiến dư luận phải chú ý đến đội bóng của mình.

 

Bóng đá đang bước vào thời kỳ mới mà ở đó, mạng xã hội đang có tác động mạnh mẽ đến cuộc chơi.

 

Nguồn: Tin Tức Việt Nam (tintuc.vn)

Bình luận