Khách nam bị đuổi khỏi máy bay vì không chịu ngồi cạnh phụ nữ
Nhóm hành khách Do Thái đứng chắn lối đi của máy bay vì không muốn phá vỡ nguyên tắc tôn giáo là ngồi cạnh những người phụ nữ.
Vụ việc xảy ra trên chuyến bay của hãng easyJet cất cánh từ Tel Aviv (Israel) tới Luton (Bedfordshire, Anh). Những hành khách nam theo đạo Do Thái chính thống từ chối ngồi ghế cạnh phụ nữ vì những lý do tôn giáo, Huffington Post đưa tin ngày 16/2.
Theo các nhân chứng, khoảng 10 người đàn ông đứng dọc lối đi và từ chối di chuyển nếu không được sắp xếp lại chỗ ngồi. Những người khác liên tục nhấn nút gọi dịch vụ, một người đàn ông còn cắm điện thoại vào bảng điều khiển tại khu vực của tiếp viên để sạc pin.
|
Trong đạo Do Thái chính thống, đàn ông không được phép ngồi cạnh phụ nữ lạ. Ảnh: Cosmo Condina.
|
Một nhân chứng kể lại: "Vài người phụ nữ đứng dậy nhường chỗ cho nhóm hành khách trên để đảm bảo máy bay hạ cánh đúng giờ nhưng họ không hề nhận được lời cảm ơn".
Phi hành đoàn buộc phải gọi cảnh sát khi máy bay đang ở độ cao hơn 9.000 m, một tiếp viên cho biết đó là chuyến bay tệ nhất trong sự nghiệp của mình. Cảnh sát có mặt tại sân bay Luton khi chuyến bay hạ cánh và hộ tống nhóm hành khách trên khỏi máy bay vì hành vi gây rối trật tự.
Phát ngôn viên của easyJet xác nhận sự cố xảy ra vào lúc 14h55 ngày 13/2 trên chuyến bay mang số hiệu EZY2084. Để đảm bảo an toàn, phi hành đoàn luôn phải nhắc nhở hành khách ngồi tại chỗ và cài dây an toàn khi đèn báo hiệu sáng. Nhóm hành khách trên đã không tuân thủ những quy định về an toàn bay.
Đây không phải lần đầu tiên những hành khách gây chú ý trên máy bay khi tuân theo nguyên tắc tôn giáo. Năm 2014, chuyến bay của hãng Delta Airlines khởi hành từ New York (Mỹ) tới Isael cũng bị hoãn một tiếng vì nhóm hành khách nam theo đạo Do Thái chính thống từ chối ngồi cạnh phụ nữ.
|
Một hành khách được cho là theo đạo Do Thái trên máy bay. Ảnh: Reddit.
|
Trên một chuyến bay năm 2013, một người đàn ông từng mang theo túi nilon cỡ lớn để bọc người lại vì ông không được phép bay trên các nghĩa trang. Người ta cho rằng ông theo Do Thái giáo vì mặc trang phục màu đen và đội mũ Kippah.
Đức Anh - VnExpress