Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Dân công sở chơi game mobile gì

Với nam giới, các trò chơi mang tính chiến thuật rất được ưa chuộng trong khi "chị em" mê mẩn các thể loại game nông trại, giải đố.

So với trước đây, tại nhiều cơ quan, công sở tình trạng nhân viên chơi game online phổ biến hơn trước, phần lớn là chơi bằng di động. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự phổ biến của các mẫu smartphone cũng như các dạng trò chơi đi kèm. Không như máy vi tính kiểm soát việc chơi game bằng cách thức kỹ thuật như chặn cài phần mềm mới hoặc chặn mạng, việc quản lý thiết bị cá nhân như điện thoại di động cũng không khả thi.

 

Bên cạnh game di động, webgame - tức các trò chơi trực tuyến có thể chơi ngay trên trình duyệt không cần cài đặt - cũng là lựa chọn của nhiều người có thời gian ngồi bên máy vi tính liên tục. Nhìn từ ngoài, webgame giống như một trang web thông thường và có thể dễ dàng thao tác để che chắn hoặc tắt hẳn một cách nhanh chóng.

 

dan-cong-so-choi-game-mobile-gi

 

Hiện nay, số lượng trò chơi cho dân công sở cũng đã phát triển đa dạng và dần trở thành một thể loại riêng với đặc điểm chung là miễn phí cài đặt, yêu cầu thao tác đơn giản, không tốn nhiều thời gian và có thể tạm dừng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, chính những điều này khiến người chơi bị "nghiện", thường liên tục có nhu cầu quay lại với game, dễ gây ảnh hưởng tới công việc.

 

"Tôi chơi game Clash Royale trên điện thoại. Mỗi khi thấy căng thẳng hoặc mệt mỏi, tôi ra hành lang công ty 'làm' một hai ván", Long, một nhân viên văn phòng ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ. Theo Long, thỉnh thoảng dành 5 phút thư giãn như vậy không ảnh hưởng tới chất lượng công việc của anh.

 

"Chẳng có sếp nào thích nhân viên chơi game trong giờ cả, nên tôi cũng chỉ chơi ngoài hành lang hoặc trong lúc nghỉ. Game cho con gái thì đơn giản, trồng cây kiểu nông trại hoặc rảnh thì tắm rửa cho con mèo trong My Talking Angela thôi", Thu Hương, nữ nhân viên tại một công ty truyền thông cho biết.

 

Với game mobile, người chơi chỉ cần 5 đến 10 phút là có thể vượt qua một màn, hoặc sử dụng tính năng chơi tự động của hệ thống. Việc phủ sóng Wi-Fi tại hầu hết văn phòng, công sở hiện nay cũng là một nguyên nhân khiến cho việc chơi game trở nên dễ dàng. Không quá khó để xác định một "game thủ văn phòng" bởi họ thường xuyên nhìn dùng điện thoại một cách chăm chú trong một khoảng thời gian ngắn hoặc vắng mặt một lúc một cách đều đặn.

 

Với nam giới, các trò chơi mang tính chiến thuật khá thịnh hành. Trong khi đó, nữ giới mê game nông trại, giải đố. Clash Royale, Clash of Clans, Hay Day, TownShip, Candy Crush, Pokemon Go, MU Origin, Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile, Liên Quân... là các trò chơi trên di động được dân công sở yêu thích thời gian gần đây.  Một số game offline khác như Half-Life, PES, Đế Chế... cũng thường được các anh em ưa chuộng. Tuy nhiên, do thời lượng chơi dài, số lượng người tham gia lớn cũng như độ "ồn ào" khi trải nghiệm, chúng thường được chơi khi nghỉ trưa hoặc chiều muộn, ngoài giờ làm việc. Một số doanh nghiệp cho phép chơi game này ngoài giờ bởi chúng có tác dụng giải trí và gắn kết mọi người.

 

Gần đây UBND Thành phố Hà Nội ban hành Bộ quy tắc ứng xử, trong đó có yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Hà Nội không được đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử trong giờ làm việc... Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải, những nội dung trong Bộ quy tắc ứng xử “mang tính khuyến cáo chứ không phải bắt buộc”.

 

Theo báo cáo về thị trường game mobile tại Việt Nam của Newzoo, năm 2016 số lượng người chơi trong độ tuổi 21-35 chiếm tỷ lệ lớn nhất với 46%, độ tuổi từ 0-20 và 36-50 ngang bằng nhau ở mức 27%. Thống kê số liệu từ trang Statista.com cũng cho thấy năm 2016, lượng người chơi game mobile từ 16-24 tuổi vẫn ở con số 4,9 triệu, không có dấu hiệu tăng so với năm 2015 và có xu hướng giảm nhẹ trong những năm tới. Ngược lại, số lượng game thủ ở độ tuổi 25-34 và 35-44 sẽ tăng dần đều từ bây giờ cho tới năm 2020.  

 

Bảo Nam - VnExpress

Bình luận