Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Cẩn trọng hoại tử xương khi trẻ bất ngờ đi đứng khập khiễng

Bé trai 9 tuổi đến khám bác sĩ vì đi đứng khập khiễng, đau ở hai bẹn, bác sĩ kết luận bị hoại tử chỏm xương đùi.

Bác sĩ Nguyễn Văn Xừ Hai, Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết bé được cho chống nạng chuyên dụng, bổ sung canxi và trải qua quá trình điều trị nội khoa kéo dài hơn một năm mới dần hồi phục, đi lại tốt, sinh hoạt bình thường và không cần phải uống thêm thuốc.

 

Theo bác sĩ Xừ Hai, hoại tử chỏm xương đùi nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hư chỏm, tiến triển vẹo cột sống, lệch khung chậu. Với bé gái, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh đẻ về sau. Bệnh thường xảy ra ở trẻ trên 2 tuổi, cao nhất là 4-8 tuổi và gặp ở trẻ nam nhiều hơn.

 

cn-trong-hoai-tu-xuong-khi-tre-bat-ngo-di-dung-khap-khieng

 

Đa số trẻ bị một bên, tỷ lệ bị hai bên ít hơn, chỉ khoảng 10%. Bệnh vẫn chưa rõ nguyên nhân, giả thuyết được nghĩ đến nhiều nhất là vấn đề thiếu máu nuôi dưỡng. Khi chụp được các mạch máu nuôi dưỡng thấy tắc các mạch máu nuôi dưỡng phía trên. Chỏm xương đùi bị hoại tử vô khuẩn, khả năng chịu lực tỳ giảm, nên chỏm xương đùi bị biến dạng.

 

"Các triệu chứng thường gặp dễ nhầm lẫn bệnh thiếu canxi như đi chóng mỏi, ban đầu khập khiễng không đau, sau đó xuất hiện đau, đau tăng khi đi lại và giảm khi nghỉ ngơi", bác sĩ Xừ Hai chia sẻ. Bệnh nhân cũng gặp các hạn chế trong cử động háng, chân đau có thể ngắn 1-2 cm. Hình ảnh X-quang thường thấy khe khớp háng rộng ra, mật độ vôi hóa ở chỏm không đều, chỏm bị biến dạng.

 

Mục tiêu của việc điều trị nhằm bảo toàn cấu trúc tự nhiên của khớp. Nếu tổn thương dưới 15% diện tích chỏm, bệnh nhân được cho giảm đau, hạn chế đi lại, giảm tải cho khớp háng bằng cách chống nạng, duy trì sức mạnh của cơ. Thuốc nội khoa có thể được chỉ định để làm giảm quá trình hủy xương và tạo cơ hội cho quá trình lành xương. Nếu phát hiện và điều trị sớm khi chỏm chưa biến dạng thì kết quả khá tốt. Với tổn thương từ 15-30%, dáng đi khập khiễng sẽ tạo hình khớp háng. Trên lý thuyết, khoảng hơn 30% bệnh nhân được thay khớp háng.

 

Đây là bệnh thường gặp nhưng nếu bác sĩ không chuyên về chỉnh hình nhi sẽ rất dễ bỏ sót. Đa số trẻ đến khám đã rơi vào giai đoạn 3 hoặc 4 khiến việc điều trị gặp khó khăn, trẻ phải chịu đựng đau đớn nhiều. Bác sĩ khuyến cáo nếu thấy bé có dấu hiệu mỏi chân cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

 

Lê Phương - VnExpress

Bình luận