Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Kinh doanh online đình trệ vì đứt cáp quang

Ngay đúng vào cao điểm sát Tết, nhiều cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh online lớn nhỏ như "ngồi trên đống lửa" vì cùng lúc 3 tuyến cáp quang biển đi quốc tế gặp sự cố.

Nhận giao hải sản vào đất liền nhưng mấy ngày qua, chị Dương Thủy – chủ một đại lý tại Côn Đảo không thể đăng bán hàng mới và liên lạc gì được với khách. Chị cho hay, mùa này, nhu cầu tiêu thụ hải sản khô và một nắng tăng rất mạnh nhưng việc Internet gián đoạn ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh.

 

“Hàng mình bán chủ yếu qua kênh Facebook mà mấy hôm liền không vô được. Hai ba ngày không đăng được món hàng nào mới cho khách tham khảo, khách nhắn tin đặt hàng qua đây mình cũng không đọc được. Facebook báo có tin nhắn mà không tải về xem được, màn hình cứ trắng trơn hoài”, chị Thủy cho biết.

 

Cận Tết Đinh Dậu cũng là thời điểm mặt hàng mỹ phẩm bán rất chạy. Tuy nhiên, internet chập chờn khiến các cửa hàng nhỏ, chủ yếu kinh doanh online cảm thấy căng thẳng vì bị hạn chế tiếp xúc với khách hàng. “Mạng lại đứt cáp nên siêu chậm. Trong khi đó, tin nhắn của Facebook lại rất nặng. Đi một vòng làm việc khác đến khi quay lại vẫn thấy đang tải nên nhiều khi trả lời khách hàng mà câu nọ xọ vô câu kia”, chị Phương - chủ một shop online chuyên bán mỹ phẩm tại Hà Nội than thở.

 

kinh-doanh-online-dinh-tre-vi-dut-cap-quang

Một người bán hàng online than thở việc kinh doanh khi 'đứt cáp' trên trang Facebook cá nhân.

 

Internet chậm cũng khiến việc "hốt bạc" của một số đơn vị kinh doanh game online trở nên ảm đạm. Nhiều quản trị viên kênh Facebook của các game đã phải ra thông báo về tình hình mạng chập chờn và hướng dẫn các thành viên cách nạp thẻ game trong thời điểm này.

 

“Do ảnh hưởng của đứt cáp quang biển AAG nên việc đăng nhập vào game và nạp thẻ đôi khi gặp sự cố gián đoạn. Những người chơi nạp thẻ vào game gặp lỗi không nhận được tiền trong game hãy gửi seri thẻ đến cho quản trị viên, quản trị viên sẽ kiểm tra và hoàn lại tiền vào game nếu thẻ của bạn được nạp thành công mà lại không nhận được”, quản trị viên của một game online ra thông báo. Tại Fanpage của một game khác, quản trị viên cũng nửa đùa nửa thật với thành viên về cách khắc phục: “Hiện tại do 2 'sợi bún' ngoài biển bị đứt nên việc vào game sẽ rất khó khăn. Một số bạn vào được thì lại hiện dấu chấm hỏi. Cách khắc phục tạm thời là dùng 3G chơi”.

 

Không chỉ cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ qua mạng bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp lớn cũng ghi nhận thiệt hại vì dự cố mạng mấy ngày qua. Chia sẻ với VnExpress, chị Nguyễn Thị Phương Thu – Phụ trách Tiếp thị của hãng hàng không Air Asia tại Việt Nam xác nhận, vì máy chủ của trang bán vé trực tuyến Air Asia Việt Nam đặt ở nước ngoài nên mấy ngày qua, với sự cố mạng internet, lượng truy cập vào trang này của hãng giảm đến 38% so với ngày thường. Anh Nguyễn Thành Thi – nhân viên Tiếp thị và Truyền thông của NetNam thì cho hay, dù nhà mạng này không ảnh hưởng nhiều bởi sự cố cáp quang nhưng mấy ngày qua, việc khách hàng gọi đến để hỏi về chất lượng đường truyền là không tránh khỏi. Anh Thi cũng cho hay, với tình hình các tuyến cáp quang đứt thường xuyên, nhiều khách hàng lớn của NetNam giờ thích chọn dịch vụ kéo hẳn đường truyền riêng để vừa bảo mật vừa hạn chế tối đa bị ảnh hưởng như các hộ gia đình khi đăng ký thuê bao ở các tuyến cáp quang dùng chung của nhà mạng.

 

kinh-doanh-online-dinh-tre-vi-dut-cap-quang-1

Sơ đồ 3 tuyến cáp quang biển đang gặp sự cố trong những ngày qua.

 

Khác với những lần trước, nhiều ngày qua, đồng loạt có đến 3 tuyến cáp quang biển quốc tế là APG, AAG và IA gặp sự cố, khiến nhiều người dùng khó truy cập Internet, đặc biệt là truy vấn vào các website đặt máy chủ tại nước ngoài. Tuyến AAG - tuyến cáp quang thường xuyên gặp sự cố nhất từ trước đến nay - gặp trục trặc vào hôm 8/1 và dự kiến đến 29/1 mới sửa chữa xong. Tuyến IA thì bị lỗi tại nhánh đi Hong Kong vào ngày 10/1 và được khắc phục ngay trong ngày. Tuy nhiên, đến chiều ngày 11/1, tuyến IA lại bị lỗi rò rỉ nguồn tại nhánh đi Singapore. Cho đến nay, lịch sửa chữa tuyến này vẫn chưa được công bố. Đặc biệt hơn là tuyến APG, dù mới được đưa vào sử dụng hồi tháng 12 năm ngoái nhưng ngay cuối tháng đã bị 2 sự cố đồng thời tại đoạn Singapore - Chongming - Trung Quốc, dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore. Dự kiến, phải đến ngày 23/1 thì mới khắc phục xong.

 

Cả 3 tuyến cáp quang biển gặp sự cố đồng thời khiến vào cao điểm 7/1 đến 12/1, nhiều người dùng Internet, đặc biệt là khách hàng của nhà mạng Viettel khó truy cập vào các trang quốc tế, có khi hoàn toàn không vào được Facebook và Google. Hiện nay, dù đã định tuyến và san tải qua các hướng khác nhưng chất lượng mạng của Viettel cũng chỉ ở mức tương đối. Các nhà cung cấp khác như VNPT, FPT Telecom hay CMC có đường truyền ổn định hơn nhưng đôi khi vẫn có trường hợp khó truy cập.

 

Viễn Thông - VnExpress

Bình luận