Dơi quỷ chuyển sang hút máu người vì mất môi trường sống
Các nhà khoa học phát hiện loài dơi quỷ chân lông ở Brazil đang làm quen với việc hút máu người, thay vì chỉ sử dụng máu chim như trước đây.
|
Bầy dơi quỷ chân lông ở Brazil đang làm quen với việc hút máu người. Ảnh: Wikipedia.
|
Nhóm nghiên cứu của Enrico Bernard, giảng viên Đại học Pernambuco, Brazil, phát hiện loài dơi quỷ chân lông (tên khoa học: Diphylla ecaudata) đang làm quen với việc hút máu người, New Scientist hôm 11/1 đưa tin.
Họ phân tích 70 mẫu chất thải lấy từ bầy dơi quỷ sống trong Vườn quốc gia Catimbau, đông bắc Brazil. Kết quả cho thấy ba trong 15 mẫu ADN thu được có dấu vết của máu người.
"Chúng tôi rất ngạc nhiên bởi loài dơi trước đây không quen hút máu động vật có vú", Bernard nói.
Những con dơi quỷ thường tấn công và hút máu các loài chim lớn vào ban đêm. Chúng đã quen với việc tiêu hóa chất béo, thành phần chính trong máu chim, khác với loại máu đặc giàu protein của động vật có vú. Các thí nghiệm trước đây cho thấy khi chỉ có máu lợn và dê, loài dơi chọn cách nhịn đói và có thể chết vì nguyên nhân này.
Tuy nhiên, sự xâm lấn môi trường sống của con người khiến chúng phải làm quen với loại máu mới. Vườn quốc gia Catimbau giờ là nơi sinh sống của nhiều gia đình, trong khi các loài chim, con mồi chính của dơi, đang dần biến mất do nạn săn bắn và phá rừng.
|
Tập tính mới của loài dơi có thể lây truyền bệnh cho con người. Ảnh: Wikipedia.
|
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện máu gà trong phần lớn các mẫu thử nghiệm. Gà được nuôi ở các trang trại trong khu vực. "Chúng đang tập thích nghi với môi trường và khai thác nguồn thức ăn mới", Bernard nhận xét.
Tập tính mới của loài dơi khiến nhiều người lo ngại bởi nó có thể lây truyền bệnh.
"Các nghiên cứu trước đây phát hiện loài dơi quỷ mang virus hanta, loại virus gây bệnh hô hấp và có thể khiến con người tử vong", Daniel Becker, làm việc tại Đại học Georgia, Mỹ, cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, dơi có thể vào phòng ngủ thông qua lỗ trên mái nhà hoặc tấn công những người ngủ trên võng ngoài trời. Họ dự định tìm hiểu những hộ dân sống quanh đó.
"Chúng tôi muốn xác định thời gian và cách thức họ bị cắn", Bernard chia sẻ.
Việc tìm hiểu cách loài dơi hút máu người sẽ giúp các nhà khoa học xác định nguy cơ chúng gây ra đối với sức khỏe cộng đồng.
Hiền Anh - VnExpress