Kinh doanh sa sút, Vinacomin giảm 3.500 lao động
Giá than giảm mạnh trong năm 2016 đã khiến Vinacomin hụt thu hơn 5.600 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 200 tỷ so với 2015.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh được Vinacomin công bố ngày 6/1, năm 2016 doanh thu toàn tập đoàn đạt 101.180 tỷ đồng, giảm hơn 5.600 tỷ đồng so với 2015. Nguồn thu của Vinacomin đến chủ yếu từ sản xuất than, khoảng 51.120 tỷ đồng; khoáng sản 7.020 tỷ và sản xuất điện 9.790 tỷ đồng.
Lợi nhuận ước tính của Vinacomin trong năm 2016 đạt trên 800 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ so với 2015. Dù lợi nhuận giảm, song tập đoàn này vẫn nộp ngân sách 14.310 tỷ, tăng khoảng 1.500 tỷ đồng so với năm 2015.
"Nhu cầu than trong nước, nhất là giá than giảm mạnh trong năm qua đã khiến tập đoàn rơi vào tình thế hết sức khó khăn", ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Vinacomin chia sẻ tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương.
Ông Chuẩn cho biết, đã có 3.500 lao động của Vinacomin phải nghỉ việc trong năm qua. So với kế hoạch được tập đoàn này đưa ra hồi giữa năm là 4.000 người, thì số lao động thực giảm ít hơn. Tổng số lao động của tập đoàn này tới cuối 2016 chỉ còn 112.800 người. Tiền lương bình quân toàn tập đoàn đạt 8,9 triệu đồng một người một tháng, riêng khối sản xuất than cao hơn là 9,3 triệu đồng một người và khối thợ lò khoảng 13,1 triệu đồng.
|
Kinh doanh khó khăn nên năm 2016 Vinacomin phải cắt giảm 3.500 lao động.
|
Năm qua lượng than tiêu thụ của Vinacomin đạt 35,2 triệu tấn, trong đó tiêu thụ than trong nước 34,4 triệu tấn, xuất khẩu đạt 802.000 tấn, nhập khẩu 1,12 triệu tấn. Sản xuất điện đạt 8,5 tỷ kWh. Sản xuất 64.300 tấn thuốc nổ các loại bằng 105% kế hoạch, cung ứng 98.900 tấn thuốc nổ….
Dự báo năm 2017 "có điểm sáng nhưng không sáng lắm" khi giá than dù "ấm" hơn, song tới cuối năm có thể chỉ ngang bằng với quý IV/2016, nên lãnh đạo Vinacomin cho biết, tập đoàn này chỉ đặt mục tiêu tăng khoảng 5-7%. TKV dự kiến tổng doanh thu của toàn tập đoàn đạt 106.865 tỷ đồng, lợi nhuận 1.000 tỷ...
Trước những khó khăn của "ông lớn" ngành than, Chủ tịch Vinacomin kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ trong điều hành cung cầu thị trường, ưu tiên dùng than trong nước sản xuất. Vị này lý giải, năng lực của than Đông Bắc có thể cung cấp 48 triệu tấn than nguyên khai (đạt được từ năm 2011), song thực tế nhu cầu dùng than trong nước chưa cao. "Tập đoàn đề nghị được xuất khẩu phần than còn dư sau tiêu thụ trong nước, để đảm bảo khả năng tài chính, giữ ổn định phát triển ngành", ông Chuẩn đề xuất.
Ngoài ra, vị lãnh đạo Vinacomin cũng mong muốn có cơ chế đặc thù, chính sách riêng cho than, để ngành này có thể phát triển, đủ sức cạnh tranh trên thị trường...
Nguyễn Hoài - VnExpress