Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Xin cứu đói

Đến nay đã có 12 tỉnh xin gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên Đán 2017. Trong đó, có nhiều địa phương quen thuộc như Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An và Thanh Hóa.

Tôi, với tư cách một người dân bình thường, sẽ tự nhiên đặt ra câu hỏi xót xa: tại sao những tỉnh này lại phải xin cứu đói? Sau đó, tôi, với tư cách một người làm truyền thông, đi tìm thông tin về tình trạng của họ.

 

Một cuộc kiếm tìm vô vọng: mới chỉ có vài ba trong số các tỉnh xin cứu đói là đã công bố báo cáo “Tình hình kinh tế - xã hội 2016” trên website của tỉnh hoặc trên website của Bộ Kế hoạch đầu tư, như là Cao Bằng hay Quảng Ngãi. 

 

Website của Cục thống kê Bình Định mới chỉ có báo cáo tháng 11/2016. Website tỉnh Lào Cai cũng vậy. Ở Thanh Hóa, bản báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội gần nhất, là tháng... 8 năm 2015. Không có lỗi đánh máy nào ở đây. Chính xác, là năm 2015.

 

Tôi tin rằng các tỉnh này thực sự gặp khó khăn. Không dám nghĩ khác. Nhưng ngoài cái niềm tin vô điều kiện ấy, thì tôi còn muốn biết rằng lãnh đạo tỉnh, trong các báo cáo của mình, nhìn nhận như thế nào về tình hình kinh tế địa phương.

 

Bởi vì năm nào cũng có khoảng chục tỉnh xin gạo cứu đói mỗi dịp Tết. Và năm nào, trước đấy cũng có những bản báo cáo đầy mỹ từ. Hãy đọc một câu quen thuộc sau đây:

 

“Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 tương đối ổn định, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng...; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt... nghìn tỷ đồng, tăng... so với năm trước”.

 

Đó là đoạn trích từ báo cáo của một tỉnh năm nay xin cứu đói. Tôi không muốn công bố một chỉ dấu cụ thể để biết nó là tỉnh nào. Bởi vì nó là một dạng “văn mẫu” quen thuộc trong các báo cáo. Tôi tự hỏi có liên quan gì về logic giữa “tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 tương đối ổn định” và việc phải xin ngân sách trung ương để cứu đói cho hàng chục nghìn con người? 

 

GRDP - tổng sản phẩm trên địa bàn - vẫn thấy tăng (tất nhiên là nó tăng). Các lĩnh vực sản xuất kinh tế vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Những khó khăn được điểm rất chừng mực.

 

Trong bản báo cáo điển hình của một tỉnh xin cứu đói, tôi nhìn thấy phần thành tựu dài 12 trang, với những cụm từ như “chuyển biến tích cực”, “có bước phát triển”, “có nhiều khởi sắc”, “có bước tiến bộ”... nhiều không thể đếm xuể. Riêng “chuyển biến tích cực” được lặp lại đến ba lần. Phần “Một số hạn chế” dài ba trang rưỡi, trong đó không có một dòng nào dành cho ứng phó thiên tai. Cho dù là ngay sau cái báo cáo ấy, họ phải gửi tờ trình xin cứu đói cho hàng chục nghìn người vì thiên tai. Chữ “thiên tai” trong báo cáo này được nhắc đến một lần, cùng với dịch bệnh và giá dầu ở phần “nguyên nhân khách quan”.

 

Trong bản báo cáo điển hình ấy, tôi nhìn thấy cái gì cũng tăng, số hộ nghèo thì giảm, nhưng người đói thì được “đính kèm” bằng một tờ trình sau đó. Tôi không hiểu báo cáo này. Bất kỳ một phòng ban hay là nhân viên nào viết ra một cái báo cáo như thế này ở khối tư nhân, chắc hẳn anh ta đã có một kết cục chẳng tốt đẹp gì.

 

Tôi nghĩ những cái báo cáo “đọc xong ngơ ngác” kiểu này không phải là một dạng che giấu khuyết điểm. Nó chỉ là quán tính tư duy. Những sáo ngữ như là “chuyển biến tích cực” được sử dụng như một thói quen. Phần báo công dài gấp ba lần nhìn nhận khó khăn, cũng là một dạng tập quán mà cán bộ viết báo cáo khó lòng “dám” cưỡng lại.

 

Và tất nhiên, đấy đã là những trường hợp khả quan nhất, tức là còn có báo cáo để mà đọc. Chứ tầm này mà vẫn còn phải đọc báo cáo của tháng 8/2015 như tỉnh Thanh Hóa thì phải chất vấn thế nào.

 

“Xin gạo cứu đói” thực sự là một cụm từ nghe rất đau lòng. Và tôi tự hỏi rằng, những báo cáo tình hình kinh tế - xã hội bao giờ thì “có bước khởi sắc” ở cái lĩnh vực đau lòng này?

 

Đức Hoàng - VnExpress

Bình luận