Thảm kịch từ mối tình vụng trộm giữa anh binh nhì với vợ 1 sĩ quan
Thảm kịch đau lòng từ mối tình vụng trộm giữa anh binh nhì Bùi Văn Tuân (SN 1986, ở thôn Bồng Sơn, xã Hải Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) với vợ 1 sĩ quan tại Đà Nẵng được lật mở.
Hình ảnh Tuân tại phiên tòa năm 2011
Cựu quân nhân gây tội ác
Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, tiết trời Đà Nẵng trở lạnh. Cả thành phố đang háo hức đón chào một mùa xuân mới, người người, nhà nhà đang tất bật sắm Tết.
Nhưng đã 9h sáng ngày 30/1 (27 Tết), người dân khu vực phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) vẫn cứ nghe cô con gái 9 tuổi của vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương (SN 1981, ngụ tại địa chỉ trên) vừa khóc lóc vừa gọi mẹ dậy. Điều bất thường là tiếng người con gọi mãi 1 lúc rất lâu mà không thấy tiếng chị Phương trả lời.
Hoài nghi, linh tính có chuyện chẳng lành, người hàng xóm mới chạy sang xem sự tình và lặng đi khi thấy chị Phương đã chết, thi thể nguội lạnh từ lúc nào.
Đại tá Phạm Phúc, Trưởng Phòng Kỷ thuật Hình sự Công an TP.Đà Nẵng nhớ lại, cái chết bí ẩn của chị Phương trong những ngày cận Tết gây xôn xao dư luận, đi tới đâu cũng nghe người dân bàn tán.
Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chuyên môn xác định nạn nhân tử vong do bị bóp cổ và dùng dây siết. Từ thông tin của người thân trong gia đình cung cấp, vụ án còn có dấu hiệu của 1 vụ “cướp tài sản”.
Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, Ban Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng khi đó chỉ đạo xác lập Chuyên án 108G, quyết tâm sớm làm rõ hung thủ để người dân yên tâm, vui vẻ đón Tết.
Đi sâu tìm hiểu các mối quan hệ nạn nhân, Ban chuyên án biết được, chị Phương có thời gian phụ chồng bán căng-tin tại đơn vị nơi chồng công tác và có quen biết với một số quân nhân tại đây. Có thể một trong số này đã ra tay sát hại chị Phương.
Ngay trong ngày, Ban chuyên án thành lập 4 tổ công tác đi Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa và tại TP.Đà Nẵng xác minh toàn bộ số quân nhân có quen biết với chị Phương.
Được sự phối hợp tích cực từ Cơ quan điều tra Hình sự Quân chủng Phòng không Không quân Đà Nẵng, Ban chuyên án thấy nổi lên đối tượng Bùi Văn Tuân – một cựu quân nhân từng công tác nơi chị Phương phụ bán căng-tin. Trong số những người thân quen với nạn nhân, Tuân có tình cảm và mối quan hệ khá đặc biệt, dù giữa 2 người có sự chênh lệch tuổi tác khá lớn.
Sau khi giải ngũ, Tuân vào Quảng Nam xin làm công nhân giày da. Đặc biệt, trước ngày chị Phương bị sát hại, Tuân có mặt tại TP.Đà Nẵng và kiểm tra trong điện thoại nạn nhân cho thấy Tuân có liên hệ. Sau khi xảy ra án mạng, Tuân đột ngột rời Đà Nẵng. Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy, Tuân là đối tượng tình nghi số 1.
Xác định mấu chốt nằm ở Tuân, Ban chuyên án lập tức cử người đi xác minh nơi Tuân cư trú. Đại tá Phúc kể, quê Tuân thuộc xã miền núi huyện Hà Trung, cách TP.Thanh Hóa hơn 40km, những ngày đầu năm trời rét căm nhưng đã không cản được ý chí của những người làm nhiệm vụ.
Sau khi tổ công tác xác định Tuân đang có mặt ở địa phương nên mời về UBND xã Hà Tiến để làm rõ một số điểm nghi vấn. Lúc này, thấy sự xuất hiện của Công an TP. Đà Nẵng ngay tại quê mình, Tuân có nhiều chuyển biến về tâm lý, sắc mặt thay đổi bất bình thường. Điều này không thể qua mắt các cán bộ chiến sĩ Phòng Kỹ thuật Hình sự theo cùng.
Đặc biệt, theo lời đại tá Phúc, cạnh khóe mắt và trên cổ của Tuân có 2 vết xước như bị ai đó cào cấu. Với những dấu tích trên, nhận định hướng điều tra của Ban chuyên án đã đúng và Tuân chính là hung thủ sát hại chị Phương.
Tuy nhiên, một tình huống bất ngờ nảy sinh. Tại UBND xã Hà Tiến, anh trai của Tuân uống rượu đến quậy phá, gây áp lực với tổ công tác, yêu cầu trả tự do cho Tuân.
Cho đến khi quyết định di lý Tuân vào Đà Nẵng, thêm một tình huống khó khăn nữa xảy ra ngoài dự tính, lúc áp giải, gia đình, người thân của Tuân kéo đến rất đông, yêu cầu đòi thả người. Phải vừa đấu tranh vừa khéo léo cùng chính quyền địa phương thuyết phục, tổ công tác mới có thể tiếp tục công việc.
Trên đường di lý vào Đà Nẵng, lúc vào quán phở ăn tối sau khi đi được vài chục cây số, Tuân ngồi thất thần, mắt nhìn vào khoảng không vô định. Biết nghi can bắt đầu dao động, các trinh sát giải thích và Tuân bất ngờ xin được khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Ngồi trên xe, Tuân thuật lại chuyện giết chị Phương, chiếm đoạt tài sản một cách tỉ mỉ, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường. Khuya cùng ngày, tổ công tác quyết định liên hệ ngay với Công an huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa) nhờ bố trí nơi làm việc để lấy lời khai ban đầu của Tuân, sau đó mới tiếp tục di lý đối tượng về Đà Nẵng. Chuyên án 108G kết thúc.
Đại tá Phúc cho biết, mặc dù anh em vất vả nhưng lúc tìm được Tuân, sau đó nghe chính Tuân thừa nhận hành vi phạm tội, bao nhiêu cực khổ, mệt mỏi trong người như tan biến. Và với lực lượng phá án Công an Đà Nẵng năm đó, cái Tết 2011 quả đáng nhớ.
|
Đại tá Phạm Phúc, trưởng Phòng Kỹ thuật Hình sự CA Đà Nẵng. |
Hai người đàn ông trong 1 vụ án tình
Sáng sớm ngày cuối 4/2011, trụ sở UBND phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) chật như nêm người đến tham dự. Nhiều người đã không quên hình ảnh, hàng trên cùng dãy ghế, người chồng và 2 con gái nhỏ mang theo di ảnh người vợ xấu đến dự phiên tòa. Trước vành móng ngựa, khi được xét hỏi, Tuân không quanh co, khai rành rọt tường tận như đã khai với cơ quan chức năng trước đâu về hành vi phạm tội.
Theo đó, năm 2009, Bùi Văn Tuân lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuân được điều động về Tiểu đoàn 180 (Bộ đội Phòng không Không quân đóng tại Đà Nẵng).
Tại đây, Tuân có quen biết và nảy sinh tình cảm với chị Phương, người bán hàng tại căng- tin tiểu đoàn, đã có chồng và 2 con nhỏ. Mặc dù chênh lệch về tuổi tác nhưng trước sự chân thành, khéo léo, ngon ngọt của Tuân, chị Phương đã đi qua giới hạn.
Mối quan hệ bất chính này tồn tại trong một khoảng thời gian dài, nhưng được Tuân và Phương giữ kín. Thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, Tuân xuất ngũ, sau đó trở lại quê nhà Thanh Hóa xin việc làm.
Tuy nhiên, do không thể quên được hương sắc mặn mà của người đàn bà mình yêu, cùng là mối tình vụng trộm đầu đời, Tuân quyết định quay trở lại Đà Nẵng tìm việc làm, để có điều kiện, cơ hội gần gũi với người tình. Tuân chọn vào làm việc tại KCN Điện Nam- Điện Ngọc (Quảng Nam, giáp ranh Đà Nẵng) và tiếp tục giữ mối quan hệ bất chính trên.
Tối ngày 29/1, Tuân gọi điện cho chị Phương để trò chuyện, biết chồng chị không có ở nhà nên hẹn tới. Tuân đi bộ đến nhà, đợi lúc nửa đêm tự leo cổng vào gặp người tình. Gặp nhau, chủ nhà đưa thẳng Tuân vào phòng ngủ của mình tâm sự.
Đến khoảng 2 giờ ngày 30/1, khi chuẩn bị rời khỏi nhà chị Phương, Tuân nói ngày mai mình về quê, khoảng 10 ngày nữa mới quay lại. Người đàn bà đã có chồng lúc này mới quay quắt nửa thực nửa giận dỗi “về thì về”, rồi yêu cầu chấm dứt quan hệ giữa 2 người, còn hối thúc “nhanh chóng ra khỏi nhà”.
Điên tiết vì bị “phủi” sau gần 2 năm “yêu thương”, Tuân ngồi dậy, leo lên bụng Phương và sử dụng 2 tay bóp cổ chị. Trong ánh sáng lờ mờ, hung thủ chỉ dừng tay cho đến khi thấy không còn cựa quậy. Thậm chí, khi phát hiện nạn nhân còn thở, Tuân tiếp tục sử dụng sợi dây điện máy quạt quấn vào cổ chị Phương 2 vòng, thắt.
Gây án xong, Tuân tháo toàn bộ nữ trang trên người chị Phương rời khỏi hiện trường. Sau khi mang tài sản cướp được đi bán, Tuân đón ô-tô về quê Thanh Hóa nghỉ ngơi ăn Tết cho đến ngày bị cơ quan Công an bắt giữ.
Đại tá Phúc nhớ lại, do vụ án có quá nhiều kỷ niệm nên lực lượng theo dõi ngay cả khi phiên tòa diễn ra. Hôm đó, đại diện gia đình bị hại liên tục lên án hành vi của Tuân và đề nghị HĐXX cần phải dành cho kẻ thủ ác một bản án thật nghiêm khắc, phải xử lý ở mức án cao nhất…
Nói về nạn nhân, người chồng bao dung, vợ mình đã sai nhưng dù sao cũng đã biết dừng lại, biết nói lời đoạn tuyệt với mối tình vụng trộm bất chính. Căn cứ mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, HĐXX tuyên phạt Bùi Văn Tuân mức án chung thân về tội “Giết người”, 5 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hình phạt chung thân.
“Cho đến nay, ngoại tình, phản bội, lừa dối vẫn được coi là lý do chính dẫn đến ly hôn. Nguyên nhân dẫn đến vợ hoặc chồng hoặc cả hai lao vào ngoại tình có thể rất đa dạng và phức tạp. Nhưng hậu quả của việc ngoại tình chính là sức công phá khủng khiếp nhằm hủy hoại gia đình.
Không những thế nó còn là nguồn cơn dẫn đến bao bi kịch, thảm án đau lòng… Phá thành công 1 vụ án, kẻ ác bị trừng trị, những người đánh án thấy nhẹ nhõm vì hoàn thành được nhiệm vụ nhưng nhiều khi vẫn day dứt, giá như điều đó không xảy ra…”, Đại tá Phúc tâm sự.
Nguồn: Baophapluat.vn