Người Venezuela không để vừa tiền vào ví vì quá nhiều
Rất khó tìm được người nào còn dùng ví tại Venezuela, khi lạm phát được dự báo lên 720% năm nay, và tờ tiền mệnh giá cao nhất - 100 bolivar chỉ bằng 0,05 USD tại chợ đen.
Tiền tệ này đã mất giá mạnh sau khi kinh tế Venezuela sa sút và Chính phủ tăng cường in tiền. Trong khi đó, giá cả lại tăng vọt. Vì thế, người Venezuela phải mang hàng túi tiền lớn, lớn đến nỗi họ không để vừa vào loại ví thông thường. Rất nhiều người phải để tiền trong túi xách, túi giắt thắt lưng hoặc balo.
Chủ một kiosk bán báo, thuốc lá và đồ ăn vặt tại một trong những khu dân cư sầm uất nhất Caracas cho biết mỗi tối, ông lại phải lặng lẽ nhồi tiền hàng trong ngày vào hàng đống túi nilon. Số tiền này tương đương 100.000 bolivar với đủ các mệnh giá 10, 20, 50 và 100 bolivar.
Đây là quốc gia có tỷ lệ phạm tội cao bậc nhất thế giới. Vì vậy, mang theo nhiều tiền như vậy rất nguy hiểm. Ông cho biết mình cảm thấy không an toàn, dù di chuyển bằng xe riêng chứ không phải phương tiện công cộng.
|
Một chủ quán xếp tiền hàng trong ngày vào các hộp bìa lớn. Ảnh: Bloomberg
|
"Cả cái Caracas này không an toàn", ông cho biết. 3 năm trước, số tiền ông mang về nhà mỗi ngày sau khi đi làm nhỏ hơn nhiều. Vì thế, rủi ro cũng thấp hơn. Khách hàng của ông thường đếm tiền trước khi ra khỏi nhà, vì sợ sẽ bị bắt gặp cầm tiền nơi công cộng.
Mặt hàng bán chạy nhất của ông là thuốc lá. Giá sản phẩm này đã leo từ 250 bolivar lên 2.000 bolivar hiện tại. Còn ở chợ đen, nó được bán với giá 1 USD.
Bên kia đường, tại một cửa hàng khác, ông chủ 70 tuổi tên Augustinho đang cộng doanh thu buổi chiều ra giấy. Ông đã phải mang tiền hàng sáng về nhà trước khi bắt đầu ca chiều. "Tôi từng bị cướp một lần rồi", ông nói.
Tại một con phố đông đúc gần đó, vài lái xe taxi đang uể oải chờ khách. Người lớn tuổi nhất nhóm này cho biết khách hàng thi thoảng mang cả 100 tờ 20 bolivar để trả số tiền 2.000 bolivar cho ông.
Tiền mất giá cũng có nghĩa việc rút 5 USD từ ATM thôi cũng cần ít nhất 100 tờ tiền. Một số ATM giờ được đổ tiền 3 giờ một lần. Vì việc làm đầy các ATM này khá khó khăn, chỉ một số máy là thường xuyên hoạt động, khiến dòng người đứng chờ rút cũng ngày càng nhiều.
Thiếu tiền mặt đã khiến nhiều người Venezuela phải trả hóa đơn bằng thẻ tín dụng. Chủ một quán cà phê cho biết 90% doanh thu của cửa hàng là nhận qua thanh toán điện tử.
Xu hướng này đang ngày càng phổ biến tại Venezuela, ông Henkel Garcia - Giám đốc cơ quan nghiên cứu kinh tế Econométrica cho biết. "Việc sử dụng thanh toán điện tử có thể sẽ tăng vọt". Tuy nhiên, việc mua và lắp đặt máy quẹt thẻ tín dụng rất đắt đỏ với các doanh nghiệp nhỏ.
Giới chức Venezuela cho biết họ đang có kế hoạch phát hành tiền mệnh giá lớn hơn vào tháng 1 năm tới. Chúng sẽ có mệnh giá từ 500 bolivar và có thể lên đến 20.000 bolivar.
"Những điều này là cần thiết cho nền kinh tế, ngân hàng và tất cả mọi người", Jose Grasso Vecchio - cố vấn kinh tế kiêm cựu giám đốc Hiệp hội Ngân hàng Venezuela cho biết, "Đây là động thái tích cực".
Hà Thu (theo Washington Post) - VnExpress