Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Tàu hỏa 600 km/h: Trung Quốc đòi vượt Nhật

Một công ty đường sắt Trung Quốc đang lên kế hoạch xây tàu đệm từ có thể chạy tốc độ vượt 600 km/h, nhanh hơn tất cả các mẫu tàu tương tự trên thế giới.

 

18 tháng sau khi Nhật Bản chạy thử nghiệm tàu đệm từ đạt vận tốc tối đa 600 km/h, phá vỡ kỷ lục thế giới, một công ty đường sắt Trung Quốc cũng vừa thông báo kế hoạch phát triển công nghệ tương tự, SCMP hôm 28/11 đưa tin

 

CRRC Corp Ltd, nhà sản xuất thiết bị đường sắt lớn nhất Trung Quốc, tháng trước cho biết đang xây dựng một đường ray dài gần 5 km để thử nghiệm tàu đệm từ tốc độ có thể vượt 600 km/h. Nếu thành công, mẫu tàu này có thể di chuyển quãng đường 1.300 km từ Thượng Hải đến Bắc Kinh chỉ trong hai giờ đồng hồ.

 

Hồi tháng 5, CRRC đã vận hành thử tàu đệm từ tự sản xuất đầu tiên ở tỉnh Hồ Nam nhưng chỉ đạt tốc độ tối đa 100 km/h.

 

Công ty còn lên kế hoạch sản xuất tàu tốc độ cao chạy xuyên biên giới với tốc độ trung bình 400 km/h, sử dụng nhiều khổ đường ray khác nhau từ 0,6 m đến 1,676 m.

 

Tàu hỏa 600 km/h: Trung Quốc đòi vượt Nhật

Tàu đệm từ Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty.

 

Lĩnh vực đường sắt cao tốc của Trung Quốc đang bùng nổ trong những năm gần đây. Quốc gia này hiện có hệ thống đường cao tốc dài nhất thế giới với tổng chiều dài hơn 20.000 km. Con số này có thể tăng lên 30.000 km vào năm 2020 và 45.000 km vào năm 2030.

 

Đệm từ là cách gọi tắt của "đệm nâng từ trường". Thay vì chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, loại tàu này hoạt động nhờ nam châm và dòng điện nên lướt êm trên đường ray.

 

Vài năm trở lại đây, Trung Quốc và Nhật Bản cạnh tranh nhau gay gắt trong việc xuất khẩu công nghệ đường sắt tốc độ cao ra nước ngoài. Tháng 4/2015, công nghệ đệm từ của Nhật giúp đoàn tàu lướt trên đường ray với vận tốc 603 km/h, đạt kỷ lục thế giới.

 

Bắc Kinh đã đánh bại Tokyo để giành gói thầu xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung ở Indonesia. Nhưng hồi tháng 8, Thái Lan lại chọn Nhật Bản làm nhà thầu xây đường sắt nối Bangkok với Chiang Mai.

 

(Theo Zing)

Bình luận