Tôi vì bạn, bạn vì tôi
youtube chanel

Bị CSGT kiểm tra xe không chính chủ, có phải chứng minh tài sản đi mượn?

Việc bắt công dân chứng minh chiếc xe đang đi là mượn hay mua nhưng chưa làm thủ tục vào thời điểm họ vi phạm luật về giao thông nhằm làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính là không đúng pháp luật.

Tôi có chút thắc mắc muốn được luật sư tư vấn giúp đó là từ ngày 01/01/2017 tới đây đi xe không sang tên đổi chủ (chính chủ) sẽ bị phạt. Trường hợp bạn trai mượn xe bạn gái và trong cùng gia đình, vợ đi xe mang tên chồng có bị xử phạt không? Khi bị CSGT bắt và kiểm tra có phải chứng minh làxetôi đi mượn không? Trong trường hợp người cho mượn ở xa hoặc chưa liên lạc được thì như thế nào?

Độc giả Hungnt 150588 (hungnt150588@gmail.com).

 

Phạt xe không chính chủ

Luật sư Trương Quốc Hòe.

 

Trả lời: Dựa trên những thông tin mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bạn đang thắc mắc như sau:

 

Thứ nhất, về việc bạn gái mượn xe bạn trai và trong cùng gia đình vợ đi xe mang tên chồng có bị xử phạt không?

 

Về vấn đề này, theo Điểm b khoản 1 Điều 30 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định:

 

“1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:....

 

b) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.”.

 

Như vậy, theo nội dung của Nghị định này thì từ ngày 01/01/2017, chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô nếu không làm thủ tục đăng ký sang tên theo quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe.

 

Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với chủ sở hữu của xe khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế. Trong khi đó, người điều khiển phương tiện giao thông (người lái xe) và người chủ sở hữu xe đôi khi không đồng nhất với nhau. Do đó, nếu bạn trai mượn xe bạn gái hay trong một gia đình vợ đi xe mang tên chồng sẽ không bị xử phạt theo điều này.

 

Quy định trên chỉ được áp dụng nếu người bạn gái hoặc người vợ trong ví dụ có được xe do thừa kế, tặng cho, mua, ... mà không làm thủ tục đăng ký sang tên. Còn quan hệ mượn xe giữa vợ và chồng, bạn trai với bạn gái là quan hệ mượn tài sản do pháp luật dân sự điều chỉnh nên sẽ không bị xử phạt trong trường hợp này.

 

Hơn thế nữa, cảnh sát giao thông không được tự ý dừng xe đang đi mà chỉ được dừng phương tiện tham gia giao thông và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong những trường hợp có vi phạm theo quy định tại luật giao thông đường bộ vàNghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

 

Thứ hai, về việc phải chứng minh quan hệ mượn tài sản:

 

Quyền sở hữu của chủ phương tiện giao thông có thể bị điều chỉnh bởi Luật Dân sự và Luật Hành chính. Dưới góc độ dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự và sự kiện pháp lý xuất hiện nghĩa vụ chứng minh là khi có tranh chấp quyền sở hữu.

 

Pháp luật dân sự quy định hình thức của giao dịch “mượn tài sản” nói chung và “mượn phương tiện giao thông” nói riêng không bắt buộc phải lập thành văn bản (trừ những tài sản có quy định về hình thức). Đây là hợp đồng dân sự thông thường trong đời sống xã hội và “hợp đồng miệng” được pháp luật thừa nhận.

 

Việc cho "mượn phương tiện" cũng không bị giới hạn trong gia đình hay cùng hộ khẩu, chỉ cần không vi phạm pháp luật. Mà ở đây là sự tự nguyện của các bên, không giao phương tiện cho người không có giấy phép lái xe phù hợp.

 

Như vậy, việc bắt công dân chứng minh chiếc xe đang đi là mượn hay mua nhưng chưa làm thủ tục vào thời điểm họ vi phạm luật về giao thông nhằm làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính là không đúng pháp luật. Do đó, người điều khiển phương tiện giao thông không có nghĩa vụ chứng minh chiếc xe đó là tài sản mình đi mượn. Trách nhiệm chứng minh thuộc về người có thẩm quyền xử phạt.

 

Nguồn: Tin Tức Việt Nam(tintuc.vn)

Bình luận